Hiện thực hóa chiến lược vươn tầm vũ trụ

Công ty Thông tin M3 là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm hiện tại tham gia vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ toàn cầu. Trên con đường hiện thực hóa thành quả ấy có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Tập đoàn, cộng hưởng cùng với những nỗ lực hết mình của tập thể lãnh đạo, CBNV M3.

Định hướng trở thành một Tập đoàn Công nghiệp Công nghệ cao trong cuộc cách mạng 4.0 của Viettel đã tạo cơ hội lớn cho M3 đi sâu vào lĩnh vực cơ khí chính xác công nghệ cao. Từ năm 2016, khi bắt đầu tham gia sản xuất một số sản phẩm mẫu cho dự án quốc phòng công nghệ cao, Ban lãnh đạo M3 đã ấp ủ một chiến lược tham gia chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ, trở thành đơn vị cung cấp vật tư, thiết bị cơ khí chính xác công nghệ cao, phục vụ cho các hãng sản xuất máy bay danh tiếng trên thế giới, nâng tầm vị thế của Công ty và Tập đoàn.

“Tấm hộ chiếu” mang tên AS9100

Để có thể gia nhập vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ, M3 phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, trong số đó, AS9100 là một tiêu chuẩn quan trọng việc đưa ra các quy định, yêu cầu đối với các tổ chức hàng không, vũ trụ và quốc phòng; cung cấp các sản phẩm an toàn và đáng tin cậy cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ. Tuy nhiên, để đạt được “tấm hộ chiếu” này, M3 phải xác định chuẩn hóa lại toàn bộ hệ thống máy móc, quy trình công nghệ và năng lực đội ngũ vận hành. Trung tá Đặng Đình Thi, Giám đốc M3 chia sẻ: “Thách thức lớn nhất để có được tiêu chuẩn AS9100 và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu chính là yếu tố văn hóa và con người. Đội ngũ vận hành phải đổi mới tư duy, cập nhật công nghệ, từng bước nâng cao tay nghề, đáp ứng các yêu cầu mà thực tiễn đòi hỏi”.

Với quyết tâm lớn của Ban lãnh đạo M3 và tập thể CBCNV, Công ty đã hoàn thành chiến lược tái cấu trúc toàn diện, bảo đảm năng lực sản xuất công nghiệp tiêu chuẩn của ngành. Cụ thể, trên 90% quy trình công nghệ, quy trình sản xuất của M3 được xây dựng mới theo quy định của AS9100D. Toàn bộ máy móc, thiết bị tham gia sản xuất, đo kiểm đều được thiết lập lịch kiểm tra định kỳ từ 6-12 tháng/lần từ các cơ quan kiểm định hợp chuẩn quốc tế. Toàn bộ 100% sản phẩm được kiểm tra chất lượng theo quy trình trước khi tiến hành lưu kho, giao hàng. Nguyên vật liệu, vật tư đầu vào của M3 cũng được nhập từ mạng lưới những nhà cung cấp có chứng chỉ AS9100D, chủ yếu là những tập đoàn công nghiệp của Mỹ và Châu Âu.

Để tham gia vào chuỗi cung ứng, M3 phải đảm bảo tuân thủ một cách nghiêm túc 32 quy trình sản xuất hợp chuẩn quốc tế theo yêu cầu AS9100 và Meggitt.

Thời điểm M3 xin cấp hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng AS9100D, tại Việt Nam đã có 10 công ty khác đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, khó có thể tiếp cận tài liệu bởi tất cả tiêu chuẩn của 10 công ty này được mang từ hệ thống công ty mẹ ở nước ngoài sang.

Nhưng bằng nhiều cách, những căn cứ để đánh giá cho tiêu chuẩn AS9100D như cơ sở hạ tầng, tài liệu hồ sơ, quy trình công nghệ, sản phẩm thực tế, xác nhận chất lượng từ bên thứ ba và phản hồi của khách hàng… đều dần được nhận diện. Do nhân sự trong nước có kinh nghiệm về hệ thống gần như không có, toàn bộ nhân lực Quản lý chất lượng của công ty đã phải chủ động tham gia vào các hội, nhóm chuyên môn liên quan đến tiêu chuẩn hàng không, trao đổi trực tuyến với chuyên gia nước ngoài để nắm bắt được những nội dung hoàn thiện tiêu chuẩn... Tiến độ rất gấp nên anh chị em đã làm việc liên tục với cường độ cao.

Chuẩn bị hồ sơ vất vả là thế, nhưng sau khi hoàn thiện, thì việc trình công nhận cũng không kém “chông gai”. Hồ sơ sau khi trình phải trải qua hai đợt đánh giá, để thẩm định M3 đã sẵn sàng các điều kiện theo tiêu chuẩn hay chưa. Trong thời gian đó, M3 cũng phải sửa lại hồ sơ, trải qua 1 tháng mới được đánh giá chính thức. Để đạt được chất lượng AS9100D, đối với các doanh nghiệp thường mất 1 năm, tuy nhiên đối với Công ty Thông tin M3, yêu cầu được đặt ra khá gấp. Và với nỗ lực không ngừng nghỉ, chỉ trong 9 tháng, M3 đã hoàn thành các tiêu chuẩn khắt khe với các điều kiện về nguồn lực về máy móc, con người, công nghệ hiện có.

Gia nhập sân chơi thế giới

Năm 2019, M3 đạt được tiêu chuẩn AS9100D, mở cánh cửa bước vào sân chơi thế giới. Thông qua các mối quan hệ trong và ngoài Viettel, Ban Giám đốc Công ty đã kết nối được với Tập đoàn Meggitt toàn cầu – Tập đoàn lớn của Anh Quốc có chi nhánh trên toàn thế giới, chuyên nghiên cứu, thiết kế, phát triển, chế tạo và tích hợp các sản phẩm trong lĩnh vực Hàng không Vũ trụ, Quốc phòng và Năng lượng. Hiện hơn 90% sản phẩm của Meggitt cung cấp cho Airbus và Boeing.

Nhưng mọi việc không đơn giản như vậy. Để có thể trở thành đối tác chính thức Meggitt, M3 phải vượt qua bài kiểm tra ngặt nghèo và chi tiết liên quan đến hệ thống máy móc, quy trình công nghệ. Đồng chí Nguyễn Trung Thiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển M3 tâm sự: “Khó khăn lớn nhất là việc xây dựng đội ngũ, thay đổi tư duy và thói quen của các kỹ sư và người vận hành. Có những thói quen làm việc hình thành từ rất lâu buộc phải thay đổi để phù hợp. Lĩnh vực cơ khí chính xác công nghệ cao, không thể làm theo bản năng hay ý hiểu chủ quan cá nhân mà cần tuân thủ đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn. Mỗi công việc, công đoạn đều yêu cầu anh em kỹ sư kiểm tra, lưu trữ bằng cách “note, record”. Khuyến cáo mọi người tự giác. Nếu làm sai phải nhận sai để đưa ra ngoài vì ngành hàng không không bao giờ chấp nhận sản phẩm lỗi, kém chất lượng”.

M3 đã hoàn thành các tiêu chuẩn khắt khe về nguồn lực về máy móc, con người, công nghệ để tham gia vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ toàn cầu.

Bên cạnh việc tìm kiếm các nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài, một nhóm hạt nhân hơn 10 thành viên tuyển mộ từ các phòng ban đã được thành lập. Họ được chuyên gia của các công ty chuyên sản xuất thiết bị hàng không trực tiếp đào tạo. Song song với đó, anh Thiên và đồng nghiệp tiếp tục tìm kiếm, bổ sung thêm các trang thiết bị hiện đại, xây dựng quy trình công nghệ phù hợp với yêu cầu của Meggitt. Chia sẻ thêm về vấn đề này, chị Phùng Thị Thoa, Phó trưởng phòng Quản lý chất lượng M3 cho biết: “Bên cạnh những tiêu chuẩn AS9100, Tập đoàn Meggitt đặt ra những quy định riêng, chi tiết cho từng hạng mục, yêu cầu các đơn vị khi muốn hợp tác phải tuân thủ, máy móc, vật tư phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ví dụ cũng là nhập từ Mỹ, nhưng từ đối tác không nằm trong chuỗi hàng không vũ trụ theo yêu cầu của Meggitt thì chúng tôi cũng không được chấp nhận”.

Dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt từ Ban Giám đốc, toàn bộ lực lượng tham gia đã miệt mài xây dựng quy trình công nghệ, chế thử, xây dựng các bài đo kiểm và thử nghiệm các sản phẩm mẫu FAI (First Article Inspection) để gửi cho Meggitt đánh giá. Hoàn thiện FAI chính là công đoạn kiểm chứng thiết kế, quy trình công nghệ chế tạo và phương pháp thực hiện. Đây là bước khó khăn nhất vì tất cả các sản phẩm đều yêu cầu rất khắt khe về nguồn gốc vật liệu, dung sai, chất lượng xử lý bề mặt… theo các tiêu chuẩn của hàng không vũ trụ.

Để “mùa xuân” được trọn vẹn

Đầu tháng 2/2021, Công ty Thông tin M3 chính thức vượt qua bài kiểm tra ngặt nghèo, gia nhập chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ của Tập đoàn Meggitt toàn cầu. Đó không chỉ là thành quả của từng cá nhân riêng biệt, mà là sự cộng hưởng của những nỗ lực không biết mệt mỏi của tập thể Ban giám đốc và CBNV M3.

Nhóm hạt nhân gồm hơn 10 thành viên được chuyên gia của các công ty chuyên sản xuất thiết bị hàng không trực tiếp đào tạo.

Một mùa xuân mang theo những không khí và cơ hội mới đã về với M3. Nhưng để “mùa xuân” ấy được trọn vẹn, vị trí và thương hiệu được giữ vững, phát triển, thì công tác giám sát, kiểm tra đảm bảo quy trình chất lượng phải được ưu tiên hàng đầu.

Chị Thoa bộc bạch: “Tham gia vào chuỗi cung ứng của Meggitt đã khó, nhưng giữ được và phát triển nó lại càng khó hơn. Chúng tôi phải tuân thủ một cách nghiêm túc 32 quy trình sản xuất hợp chuẩn quốc tế theo yêu cầu AS9100 và Meggitt, thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn mới trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Việc giám sát diễn ra theo nhiều cấp. Từ vị trí tổ trưởng đến các Ban quản đốc xí nghiệp, phòng kỹ thuật, quản lý chất lượng... đều phải nâng cao chức năng này. Việc quản lý chất lượng sản phẩm được giao cho từng tổ, do Tổ trưởng trực tiếp chịu trách nhiệm”.

Không “ngủ quên” trên thành quả, những người kỹ sư, thợ cơ khí M3 lại tiếp tục bước vào những guồng quay mới, mà ở đó đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, tập trung cao độ, bởi mỗi sự sai lầm dù nhỏ có thể phải trả giá bằng cả vị trí đã bỏ công đạt được.

Bài viết liên quan

Dùng công nghệ số "gỡ khó" cho doanh nghiệp nhỏ

Dùng công nghệ số “gỡ khó” hiệu quả cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trước cơn bão Covid-19, TCT Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) khởi đầu thành công chiến lược hướng tới nhóm khách hàng năng động nhất nền kinh tế này. Ông Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc Viettel Telecom, khẳng định đây là cơ sở để đơn vị đặt mục tiêu cao trong năm 2022, chinh phục khách hàng doanh nghiệp nhỏ, song hành với nhiệm vụ phục vụ khách hàng cá nhân.
Đọc thêm

Khi bao xi măng tiên phong chuyển đổi số

Cất gọn súng bắn nhiệt, thiết bị đo độ rung cầm tay vào ngăn tủ, anh Nguyễn Quang Vân, Tổ trưởng tổ Động cơ không rời mắt khỏi những đồ vật đã gắn bó với mình 16 năm ở CTCP Xi măng Cẩm Phả (XMCP), nay đã là “kỷ vật”. Giờ đây, hệ thống động cơ, máy điện và các máy móc mà anh Vân chịu trách nhiệm bảo trì đều đã được thay tích hợp hệ thống thông minh, kết nối không dây. Một trong những lĩnh vực vốn luôn bị gắn mác “tay chân” đang từng bước được số hóa.
Đọc thêm

Cộng hưởng giải bài toán khó của quốc gia

Chỉ trong quãng thời gian “không tưởng” 6 tháng, Công ty Tư vấn Thiết kế Viettel (VTK) cùng các chuyên gia toàn Tập đoàn hoàn thành “bài toán” cấp quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT)đặt hàng. Trong khi đó với khối lượng công việc như VTK đã xử lý, các đơn vị khác sẽ cần ít nhất 2-3 năm.
Đọc thêm