Cộng hưởng giải bài toán khó của quốc gia

Chỉ trong quãng thời gian “không tưởng” 6 tháng, Công ty Tư vấn Thiết kế Viettel (VTK) cùng các chuyên gia toàn Tập đoàn hoàn thành “bài toán” cấp quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT)đặt hàng. Trong khi đó với khối lượng công việc như VTK đã xử lý, các đơn vị khác sẽ cần ít nhất 2-3 năm.

Quy hoạch lớn của ngành TT&TT

Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 lần đầu tiên được triển khai theo quy định tại Luật Quy hoạch (2017), Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ về giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 1532/QĐ-TTg ngày 08/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Từ năm 2005 đến năm 2017, Bộ TT&TT từng triển khai quy hoạch hạ tầng TT&TT nhưng các lĩnh vực quy hoạch thời điểm đó bị phân tách riêng lẻ, rời rạc, mốc thời gian không đồng bộ khiến việc quy hoạch không đảm bảo tính lâu dài và bền vững, ảnh hưởng quá trình thực thi đề án quy hoạch trên thực tế của chính quyền, người dân, doanh nghiệp. Với quyết định của Chính phủ, lần đầu tiên Bộ TT&TT tiến hành triển khai quy hoạch đồng bộ, toàn diện, đồng thời trên cả 5 lĩnh vực: Mạng bưu chính; Hạ tầng số; Ứng dụng CNTT; Công nghiệp CNTT, Phát thanh Truyền hình.

Việc triển khai đề án Quy hoạch đồng thời 5 lĩnh vực cùng một giai đoạn sẽ tạo nên những thay đổi có tính bước ngoặt cho ngành TT&TT, xây dựng định hướng phát triển trong giai đoạn chuyển đổi công nghệ và thực hiện bứt phá cùng nhịp độ thế giới. Hạ tầng TT&TT trong chiến lược chung của đất nước tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, có sức lan tỏa, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trên các mặt trận kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng… của đất nước, hội nhập sâu rộng với thế giới.

Tuy nhiên trong 5 tháng liên tiếp, Bộ TT&TT không tìm được đơn vị quy hoạch phù hợp, đáp ứng đủ các yêu cầu về năng lực chuyên môn, tầm vóc để đảm nhận dự án quy hoạch “chưa có tiền lệ” này. Các đơn vị tham gia đấu thầu e ngại về sự thành công đề án quy hoạch do lần đầu tiên triển khai quy hoạch đồng thời các lĩnh vực Bưu chính; Viễn thông; Công nghệ thông tin và An toàn, an ninh thông tin; Công nghiệp công nghệ thông tin;  Phát thanh truyền hình, tính chất phức tạp; dự báo lên đến 30 năm cũng như việc xây dựng quy hoạch mà chưa có chiến lược, trong khi đó Quy hoạch là triển khai các nhiệm vụ của chiến lược do đó phải tự xây dựng các chỉ tiêu phát triển từ đó triển khai qui hoạch.

Giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế Viettel Vũ Tiến Duy: “Bằng mọi giá, mọi cách phải đảm bảo đúng tiến độ, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng đề án quy hoạch hạ tầng thông tin quốc gia của Bộ TT&TT”

Nhận thấy cơ hội khẳng định năng lực, uy tín của đơn vị số 1 Việt Nam về tư vấn hạ tầng Viễn thông và CNTT, Công ty VTK đã mạnh dạn đăng ký với Bộ TT&TT đảm nhận thực hiện dự án. Với năng lực hơn 26 năm kinh nghiệm, đã từng thực hiện các dự án quốc phòng trọng điểm quốc gia, Công ty VTK đã nhận được cái “gật đầu” từ Bộ TT&TT.

Thời gian thực hiện gấp “chưa từng thấy”

Hiện nay Bộ TT&TT đang xây dựng các chiến lược ngành, việc lập quy hoạch khi chưa có chiến lược là công việc rất khó khăn vì Quy hoạch là cụ thể hóa mục tiêu chiến lược. Với những lĩnh vực thay đổi, phát triển nhanh như TT&TT, dự báo những đổi mới sáng tạo trong hai, ba năm rất khó khăn chứ chưa nói đến cả chục năm”, Trung tá Vũ Tiến Duy, Giám đốc VTK nhớ lại thời gian đầu nhận nhiệm vụ từ Bộ TT&TT.

Theo lãnh đạo của VTK, thông thường, với những dự án quy hoạch nhiều lĩnh vực như quy hoạch Hạ tầng TT&TT, thời gian tầm nhìn quy hoạch lên đến 30 năm sẽ phải mất từ 2-3 năm từ khảo sát, thu thập thông tin, thống kê, tham khảo thế giới, phân tích để đưa ra dự báo và xây dựng quy hoạch. Nhưng khi VTK đảm nhận gói thầu quy hoạch thì thời gian chỉ còn 6 tháng đến thời hạn trình cho các Bộ, Ban, Ngành lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo.

Lượng thông tin khổng lồ đội ngũ quy hoạch cần tổng hợp không chỉ từ 5 lĩnh vực Bưu chính; Viễn thông; Công nghệ thông tin, An toàn, an ninh thông tin; Phát thanh truyền hình mà còn từ hàng loạt cơ sở dữ liệu quốc gia khác. Trong số này có dữ liệu về địa lý; dân cư; chiến lược phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và các quy hoạch ngành có liên quan như quy hoạch điện lực, giao thông; thủy lợi; nông nghiệp phát triển nông thôn…

“Đội ngũ tham gia dự án quy hoạch hạ tầng TT&TT của VTK thời điểm đấy chỉ có 3 đồng chí. Chúng tôi không biết bắt đầu từ đâu, làm như thế nào. Nhưng không phải vì thế chúng tôi run sợ. Chúng tôi dám làm, dám đương đầu dù biết con đường rất khó khăn”, đồng chí Nguyễn Tất Hải, chủ nhiệm đề án quy hoạch cười rạng rỡ khi nhắc đến khoảng thời gian khó khăn nhất trong hành trình “vẽ” lên con đường hạ tầng TT&TT quốc gia.

VTK đã hoàn thành đề án vượt tiến độ 5 tháng theo thời hạn lập quy hoạch Chính phủ quy định là 12 tháng.

Để giải bài toán khó với khối lượng công việc khổng lồ này, hơn 100 chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ hàng đầu trong ngành TT&TT đến từ các bộ, ban, ngành, trường đại học, học viện, công ty, tập đoàn lớn Việt Nam như các đồng chí nguyên thứ trưởng Bộ TT&TT TS. Mai Liêm Trực, TS.Trần Đức Lai, TS.Nguyễn Minh Hồng; T.S.Cao Viết Sinh nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; PGS. TS. Lê Bá Ân nguyên chuyên gia cao cấp Văn phòng Chính phủ…được nhóm quy hoạch mời tham gia cùng VTK phân tích đánh giá hiện trạng, xây dựng dự báo phát triển và nội dung quy hoạch. Đặc biệt, trong một số lĩnh vực như Bưu chính; Phát thanh – Truyền hình mà VTK chưa có kinh nghiệm, VTK đã được đội ngũ chuyên gia  hỗ trợ xây dựng dự thảo Quy hoạch theo từng lĩnh vực đảm bảo tầm nhìn vĩ mô và dài hạn.

Tổ tác chiến thông tin “chưa từng có tiền lệ”

Nắm chặt chiếc thẻ nhân viên Viettel, anh Vũ Hoàng Phúc, thành viên đội quy hoạch hạ tầng TT&TT của VTK không giấu nổi niềm tự hào: “Chúng tôi may mắn vì chúng tôi là người Viettel. Anh em tại VTK thường bảo nhau, việc gì khó đã có Viettel”.

Bắt đầu từ con số 0, nhóm quy hoạch VTK đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ rất lớn từ những người đồng chí trong Tập đoàn. Một đội ngũ chuyên gia hùng hậu được cử hỗ trợ cho VTK gồm Ban chiến lược, TCT Mạng lưới Viettel, TCT Giải pháp doanh nghiệp Viettel, TCT Cổ phần Bưu chính Viettel, Công ty Viettel IDC.

Đây là những đơn vị hàng đầu tại Việt Nam trong các lĩnh vực Hạ tầng TT&TT: Bưu chính; Viễn thông; Công nghệ thông tin và An toàn, an ninh thông tin; Công nghiệp công nghệ thông tin;  Phát thanh truyền hình. Cùng nền tảng kinh nghiệm tư vấn thiết kế được tích luỹ qua 26 năm, VTK cùng đội chuyên gia của Viettel xây dựng đề cương, tiến hành khảo sát hiện trạng hạ tầng TT&TT, lấy ý kiến chuyên gia; phân tích hiện trạng hạ tầng TT&TT, dự báo phát Bộ TT&TT và các cơ quan của Bộ, đặc biệt là Viện chiến lược, Cục viễn thông luôn quan tâm, hỗ trợ về nhân lực, đội ngũ chuyên môn để VTK có những điều kiện thuận lợi nhất, tạo cơ sở để rút ngắn thời gian thực hiện quy hoạch. VTK đã thành lập tổ tác chiến thông tin ngay tại Viện Chiến lược, Bộ TT&TT để cùng phối hợp các chuyên gia hàng đầu của Bộ xử lý dữ liệu, tham vấn các nội dung quy hoạch khó, nắm bắt chính xác các chủ trương, chỉ đạo từ các cơ quan, ban, ngành, tiếp cận nhanh chóng nguồn dữ liệu đầy đủ của Bộ.

Với tầm vóc là dự án quy hoạch quốc gia, bản đồ số trong quy hoạch yêu cầu sự chính xác, tỉ mỉ tuyệt đối. Mặc dù không được đào tạo chuyên môn về vẽ bản đồ, Anh Hải cùng đồng nghiệp đã tự mình làm chủ các công cụ vẽ bản đồ, biên tập, xử lí lượng thông tin khổng lồ chỉ trong 3 tháng. Trong khi đó, để xử lí lượng công việc đồ sộ như vậy thông thường cần ít nhất một năm.

Nhìn vào cuốn sổ tay cũ chằng chịt các ghi chú, số liệu, anh Nguyễn Tất Hải kể, cuốn sổ đã đồng hành cùng anh trong nhiều đêm “trắng” tổng hợp, phân tích số liệu hạ tầng TT&TT và nghiên cứu phần mềm biên tập xử lý bản đồ số. “Tôi cùng nhiều đồng nghiệp đã tập trung nghiên cứu tài liệu trong và ngoài nước phục vụ công tác phân tích hiện trạng; xây dựng các mô hình dự báo phát triển trong thời kỳ quy hoạch để xây dựng Quy hoạch hạ tầng TT&TT. Đồng thời tranh thủ thời gian buổi tối nghiên cứu phần mềm bản đồ số”. Bản đồ số do VTK xây dựng đáp ứng quy định kỹ thuật về nội dung và ký hiệu bản đồ theo Quy chuẩn quốc gia về bản đồ số.

Trong các buổi họp đánh giá tiến độ thực hiện đề án, ban lãnh đạo VTK luôn đưa ra những chỉ đạo quyết liệt, “bằng mọi giá, mọi cách” phải đảm bảo đúng tiến độ, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng đề án quy hoạch hạ tầng thông tin quốc gia của Bộ TT&TT. Bên cạnh vai trò là “tổng chỉ huy”, không ít lần, ban lãnh đạo VTK đã “xắn tay áo” cùng cán bộ nhân viên VTK tháo gỡ, giải quyết khó khăn để không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Trong quá trình thu thập dữ liệu, đội quy hoạch VTK không nhớ nổi đã nhận được bao nhiêu cái lắc đầu thẳng thừng từ chối cung cấp thông tin từ các đơn vị bên ngoài Tập đoàn. Không chần chừ, từ sáng sớm đến tối muộn, Trung tá Vũ Tiến Duy, Giám đốc VTK đã một mình đến từng đơn vị để thuyết phục các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao hợp tác cung cấp thông tin, số liệu, cùng VTK triển khai đề án quy hoạch, hiện thực hóa khát vọng đồng bộ, thống nhất hạ tầng thông tin quốc gia.

Quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông đảm khả năng thông suốt về hạ tầng thông tin và truyền thông trong hội nhập quốc tế; tạo dựng sự phát triển hài hòa, bền vững giữa các địa phương.

Nhắc đến những “tư lệnh” của VTK luôn xông xáo, quan tâm cán bộ công nhân viên  không chỉ trong chuyên môn mà còn kịp thời động viên, khích lệ tinh thần, tạo động lực để những “người lính” VTK hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, anh Vũ Hoàng Phúc nhớ lại: “Chúng tôi làm quên cả thời gian, nhiều ngày làm đến tối muộn nhưng chưa kịp ăn uống. Bất ngờ là ngay lúc đấy, ban lãnh đạo đã mang đến cho chúng tôi những suất ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Anh Duy còn dặn dò các bộ phận liên quan quan tâm đến chế độ ăn uống cho anh em chúng tôi tăng ca, không được để chúng tôi bị đói. Tôi rất trân trọng tình cảm từ lãnh đạo dành cho anh em trong nhóm quy hoạch.”

Hoàn thành quy hoạch hạ tầng thông tin quốc gia “chưa ai từng làm”

Nhờ tinh thần vượt lên giới hạn bản thân, ý chí, quyết tâm cao độ, đồng lòng từ lãnh đạo đến cán bộ, nhân viên mà VTK đã hoàn thành đề án vượt tiến độ 5 tháng theo thời hạn lập quy hoạch Chính phủ quy định là 12 tháng.

Bản dự thảo đề án quy hoạch hạ tầng thông tin quốc gia do VTK thực hiện đã nhận được nhiều đánh giá cao từ các cơ quan, bộ, ban, ngành; các tập đoàn, công ty lớn; các chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam trong ngành TT&TT. Hiện nay, VTK đang tiếp tục lắng nghe ý kiến, đóng góp từ các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, chuyên gia để chỉnh sửa, bổ sung, trình Hội đồng Thẩm định quốc gia trong thời gian tới.

Trong khó khăn, người VTK đã không lùi bước, chấp nhận thách thức, đương đầu thử thách để từ trong gian khó thấy được cơ hội phát triển. Trung tá Vũ Tiến Duy, Giám đốc VTK đánh giá, thành công xây dựng quy hoạch hạ tầng thông tin quốc gia mang đến cho VTK vốn hiểu biết sâu rộng, đa lĩnh vực, tạo lập tầm ảnh hưởng của VTK đến đội ngũ chuyên gia trong ngành TT&TT.

Từ nền tảng đó, không chỉ khẳng định tầm vóc của VTK trên thị trường, trở thành công ty đầu tiên, số 1 và duy nhất trong quy hoạch hạ tầng TT&TT quốc gia mà còn khẳng định vị thế thương hiệu Viettel trong chiến lược “Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số”, tiên phong trong tư vấn xây dựng quy hoạch hạ tầng TT&TT, nền tảng cho chuyển đổi số quốc gia./.

Bài viết liên quan

"Mảnh ghép cuối cùng" để làm chủ hệ thống ePass

Khách hàng sử dụng dịch vụ thu phí tự động đường bộ ePass khó có thể nhận biết những thay đổi sau khi Viettel hoàn toàn làm chủ hệ thống. Họ chỉ đơn giản thấy dịch vụ mình dùng “có vẻ” ổn hơn, không gặp trục trặc gì. Nhưng phía sau đó là một câu chuyện lớn hơn, về tương lai giao thông thông minh, thành phố thông minh cho Việt Nam.
Đọc thêm

Robot kho vận Make in Vietnam, by Viettel

Tại kho hàng của Viettel Post, rất nhiều công đoạn vận chuyển chỉ trong một thời gian ngắn nữa sẽ không do con người đảm nhiệm, mà được chuyển giao cho anh bạn mang cái tên khá lạ - VMR-01. Anh chàng robot này chịu được tải trọng hàng hóa lên đến 300 kg, làm việc liên tiếp trong 8 giờ, di chuyển hàng hóa thông minh, khoa học, chính xác theo phân lối di chuyển được quy định trong kho hàng mà không cần người giám sát. VMR-01 là robot kho vận sử dụng dẫn đường bằng thị giác máy tính đầu tiên ở Việt Nam, do Trung tâm Không gian mạng Viettel (VTCC) phát triển.
Đọc thêm

Khát khao của nhà vô địch

Năm 2021, CLB Bóng đá Viettel (Viettel FC) là nhà đương kim vô địch của V.League. Khi bạn ở ngôi vị số một, thách thức lớn nhất với bạn là làm thế nào để vượt qua nhà vô địch, vượt qua chính mình. Và các chàng trai áo lính chơi bóng đã trải qua năm 2021 với nỗ lực và khát khao mãnh liệt đó.
Đọc thêm