Con đường gia nhập chuỗi giá trị sản xuất đã hiện hữu, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần có một chiến lược đón đầu hiệu quả. Trên hành trình in dấu ấn người Viettel trong chuỗi sản xuất toàn cầu, Công ty M1 xác định triển khai nhà máy thông minh là chìa khoá để đơn vị này đạt những bước tiến mới vượt bậc cho ngành công nghiệp sản xuất. Khi nhiều doanh nghiệp nội địa còn khá dè dặt với mô hình nhà máy thông minh, M1 đã nhanh chóng có những bước đi hiện thực hóa mô hình này.
Mẫu số chung cho doanh nghiệp sản xuất
Cách Việt Nam hơn 2.500 km theo đường chim bay, tại Thành Đô, Trung Quốc, nhà máy Foxconn đang kết hợp cách làm giữa thực tiễn với trí tuệ nhân tạo và các công nghệ IoT để tăng 200% hiệu quả lao động và cải thiện hiệu suất thiết bị tổng thể 17%. Đây là kết quả của quá trình Foxconn triển khai nhà máy thông minh để giải bài toán đối mặt với thực tế phát triển quá nhanh trong khi khan hiếm nguồn cung lao động có kỹ năng. Bên kia bán cầu, tại Amberg, Đức, kỷ nguyên của Siemens thực sự trỗi dậy khi nhà máy này chuyển hướng sang thực hiện dự án nhà máy thông minh. Để đạt được mục tiêu về năng suất, Siemens đã triển khai phương pháp tiếp cận nhà máy kỹ thuật số tinh gọn có cấu trúc, triển khai robot thông minh, điều khiển quy trình dựa trên trí tuệ nhân tạo và thuật toán bảo trì dự đoán. Kết quả là hiệu quả lao động tăng 50%, bán thành phẩm trong sản xuất tăng 20%, khả năng cải thiện chất lượng quy trình tăng 13%, hiệu suất thiết bị tổng thể (OEE) tăng 13%.
Cùng với những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, mô hình nhà máy thông minh xuất hiện như một sự tất yếu của công nghiệp sản xuất thời đại mới. Theo số liệu thống kê vào tháng 3/2021 của Diễn đàn kinh tế thế giới có trụ sở tại Cologny - Thụy Sỹ, thế giới có 69 doanh nghiệp dẫn đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và được coi là những “ngọn hải đăng” dẫn dắt công cuộc số hóa và cách mạng trong sản xuất. Có một điểm chung trong 69 doanh nghiệp này, đó là đều thực hiện mô hình nhà máy thông minh.
Công ty M1 đang từng bước triển khai nhà máy thông minh nhằm nâng cao sức cạnh tranh so và thực hiện khát vọng vươn ra biển lớn chinh phục thị trường quốc tế.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo các sản phẩm, thiết bị điện, điện tử viễn thông và năng lượng không còn lạ lẫm với thuật ngữ nhà máy thông minh. Dẫu vậy, mô hình này chưa thực sự được áp dụng rộng rãi bởi các doanh nghiệp còn mông lung về các vấn đề liên quan tới chi phí đầu tư thiết bị, máy móc, nhà xưởng so với hiệu quả.
Thiết lập nhà máy thông minh dựa trên tình hình thực tế của M1
Trước 2010, M1 vốn là Nhà máy trực thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc. Từ năm 2010, M1 chính thức đứng trong đội hình của Tập đoàn Viettel. Từ một công xưởng sửa chữa các trang thiết bị, khí tài thông tin liên lạc, giờ đây M1 đóng vai trò là đơn vị chủ chốt, tiên phong trong lĩnh vực sản xuất thiết bị viễn thông công nghệ cao, không ngừng mở rộng phát triển lĩnh vực sản xuất thiết bị dân sự. Liên tiếp trong 2 năm 2019 và 2020, Công ty được Bộ Công thương công nhận là “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín”. Đạt nhiều bứt phá, song M1 luôn ý thức xây dựng tầm nhìn và đưa vào áp dụng các giải pháp thông minh hoá hoạt động quản trị sản xuất nhằm tối ưu chi phí, nâng cao chất lượng.
Nếu như nhiều năm trước, trong giai đoạn chưa tiến hành số hoá, khách hàng của M1 muốn nắm bắt tính năng của một thiết bị nào đó thường phải tới tận nơi đặt thiết bị, đọc các tài liệu của nhà sản xuất… Điều này tốn khá nhiều thời gian, đặc biệt là khi tìm các loại thiết bị có tính năng tương đương nhau. Tuy nhiên, ngay sau khi M1 triển khai số hóa trang thiết bị cũng như tính năng thiết bị, người dùng chỉ cần vào hệ thống, tra cứu ra toàn bộ các tính năng chi tiết của thiết bị rồi tìm kiếm các thiết bị có tính năng tương đương, thao tác này chỉ mất 1-2 phút. Hay khi khách hàng muốn tra cứu các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, thời điểm PASSED QC (thông qua kiểm soát chất lượng)… bằng việc sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm (Tracking and Traceability), khách hàng chỉ cần quét QR-code trên sản phẩm là có thể tra cứu ra các thông tin đã số hóa.
Với tri thức và kinh nghiệm tích lũy trong quá trình sản xuất kết hợp với năng lực triển khai nghiên cứu các nền tảng IoT, tự động hóa và tự phát triển hệ thống ERP để quản trị sản xuất, M1 đang từng bước triển khai nhà máy thông minh với lộ trình chính xác, rõ ràng nhằm nâng cao sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề có quy mô tương đương cũng như thực hiện khát vọng vươn ra biển lớn chinh phục thị trường quốc tế.
Chia sẻ quan điểm về số hoá và nhà máy thông minh, Giám đốc Công ty M1 Lưu Quang Trường khẳng định rằng: “Thế giới luôn biến đổi không ngừng. Sau khi nghiên cứu và phân tích các số liệu thống kê hiệu quả của 69 doanh nghiệp dẫn đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng tôi đã quyết tâm phải thực hiện bằng được giải pháp nhà máy thông minh vào hoạt động quản trị sản xuất của mình. Tùy theo quy mô và đặc thù doanh nghiệp mình, chúng tôi may đo và định cỡ cũng như thiết lập mục tiêu về mức độ thông minh sao cho phù hợp.
“Khi triển khai nhà máy thông minh, câu hỏi phổ biến đặt ra thường nằm ở công nghệ. Nhưng với M1, quan điểm của chúng tôi cho rằng, bài toán công nghệ trong thực tế đã có lời giải, thế giới đã có nhiều doanh nghiệp đi trước và áp dụng thành công. Cái gì đã có chúng ta phải tận dụng để rút ngắn thời gian. Công nghệ là không thể thiếu trong hành trình tiến tới nhà máy thông minh nhưng với M1, con người, sự thay đổi tư duy mới là mấu chốt”.
Thông minh hoá, tự động hoá sẽ gia tăng năng suất lao động, giúp thu hút khách hàng để đơn vị phát triển bền vững hơn.
Tham khảo kinh nghiệm thành công của nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, M1 rút ra kinh nghiệm, các nhà máy này đều triển khai nhà máy thông minh song việc triển khai thế nào là hoàn toàn khác nhau. Anh Nguyễn Văn Ty, chủ nhiệm đề tài khoa học công nghệ của M1 về “Nghiên cứu, thiết kế giải pháp nhà máy thông minh” chia sẻ: “Có doanh nghiệp đi sâu vào quản trị hoạt động tiêu thụ điện năng, có doanh nghiệp đi sâu vào ảo hóa hạ tầng thiết bị sản xuất bằng công nghệ Digital Twin, hoặc có doanh nghiệp giám sát hoạt động của trang thiết bị sản xuất kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao chỉ số hiệu quả tổng thể (OEE – Overall Equipment Effectiveness index)… Mỗi doanh nghiệp đều có hướng áp dụng tiến trình thông minh hóa theo cách riêng và phù hợp với hiện trạng hoàn cảnh của doanh nghiệp nhằm hướng tới duy nhất một mục tiêu, đó là: cắt giảm chi phí vận hành, nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy nhanh tiến độ tiếp cận khách hàng”.
Từ cách tiếp cận đó, M1 xây dựng lộ trình nhà máy thông minh của riêng mình bằng cách tập trung xây dựng 5 hệ thống chức năng gồm: Quản lý môi trường (FeMS); Quản lý thiết bị (MMS); Quản lý năng lượng (EMS); quản lý kho thông minh (InMS); Quản lý quá trình sản xuất (PPC) giúp quản lý và giám sát quá trình sản xuất trên dây chuyền, thu thập các thông số sản lượng, tỷ lệ lỗi, nhân công trực tiếp, công cụ dụng cụ sử dụng… Từ đó, công ty đưa ra các KPI theo ISO 22400 để người quản trị có thể tính toán và điều chỉnh kịp thời quá trình sản xuất theo thời gian thực.
Với 5 hệ thống trên, M1 hiện đang ở cấp độ 1 là cấp độ cao nhất của một nhà máy đã được số hóa nhưng chưa đạt tới điều kiện để được coi là một nhà máy thông minh. Để đánh giá mức độ thông minh của nhà máy sản xuất có 5 cấp độ, M1 hiện đang ở cấp độ 1 là cấp độ khởi đầu của một nhà máy đã được số hóa nhưng chưa đạt tới điều kiện để được coi là một nhà máy thông minh.
Từ cấp độ này, M1 đưa ra mốc lộ trình đạt được các cấp độ còn lại trên thang 5 cấp độ. Mục tiêu của M1 là đạt cấp độ 4 vào cuối năm 2023, làm tiền đề để triển khai cấp độ 5 vào những năm tiếp theo.
“Nếu nghĩ làm được, sẽ tìm mọi giải pháp và tìm đường để đi”
Khi đặt ra lộ trình và mục tiêu rõ ràng, M1 không quên yếu tố quyết định thành bại của nhà máy thông minh còn nằm ở con người. “Rõ ràng, M1 đã đạt nhiều thành tựu trong thời gian ngắn, vậy tại sao M1 cần phải thay đổi trong khi đang làm tốt?”, đây là câu hỏi mà nhiều nhân viên tại M1 có thể thắc mắc. Nắm bắt tâm lý đó, Đảng uỷ, Ban lãnh đạo M1 đã có sự hướng dẫn và khai mở nhận thức về hiệu quả mà nhà máy thông minh mang lại cho công ty và chính bản thân người lao động.
Anh Nguyễn Văn Ty chia sẻ: “Chúng tôi phân tích để cho tập thể người lao động M1 hiểu rằng, các quy trình vận hành hiện tại đã giúp cho M1 đạt được những thành tựu trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tuy nhiên M1 vẫn có những nhược điểm trong quá trình vận hành và phải có các biện pháp khắc phục để phát triển bền vững hơn. Đặc biệt, M1 cần áp dụng tự động hóa, công nghệ thông tin hóa. Đây là cách đi bền vững và toàn diện, phù hợp với xu thế chung của thế giới và định hướng của Chính phủ, Tập đoàn Viettel. Thông minh hoá, tự động hoá không triệt tiêu việc làm của anh em mà thay vào đó là gia tăng năng suất lao động. Từ đó, thu hút khách hàng, khẳng định vị thế M1 trên thương trường. Những yếu tố này sẽ giúp anh em có công việc bền vững và thu nhập tốt hơn”.
Nhen nhóm ý tưởng từ năm 2019, bắt tay thực hiện lộ trình xây dựng nhà máy thông minh từ tháng 9-2021, Công ty M1 dự kiến sẽ hoàn thành dự án của mình trong thời gian 22 tháng. Được biết, các dự án tương tự trên thế giới triển khai mất khoảng thời 24-36 tháng. Trước câu hỏi rằng, 22 tháng liệu có đủ để M1 hoàn thành mục tiêu đề ra trong khi mô hình này còn mới mẻ tại Việt Nam, Giám đốc M1 khẳng định: “Nếu thực sự nghĩ sẽ làm được, mình sẽ tìm giải pháp và tìm mọi đường để đi. Với sự am hiểu về sản xuất công nghiệp mà M1 đã tích lũy trong nhiều năm, Đảng uỷ, Ban Giám đốc M1 tự tin có thể hoàn thành các mục tiêu đặt ra và nhanh chóng đạt được mục tiêu chuyển đổi số và thông minh hóa nhà máy. Văn hoá người Viettel là không gì là không thể, vì vậy, đứng trước cơ hội, chúng tôi phải nhanh chóng đón nhận”.
Thực tế, sự thành công của những doanh nghiệp lớn luôn có sức lan toả, mang tính chất mở đường, dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ cùng ngành nghề. Đặt trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng dưới sự dẫn dắt của công nghệ 4.0, khi M1 hiện thực hoá “nhà máy thông minh”, chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng tới các nhà máy khác, tạo nên sự cộng hưởng thay đổi bộ mặt sản xuất công nghiệp Việt Nam.