Sau 2 năm chuẩn bị và chờ đợi được cấp phép, ngày 1/12/2021, Viettel Money chính thức ra mắt, mang theo tầm nhìn trở thành hạt nhân tài chính số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển.
Mobile Money – mảnh đất còn nhiều tiềm năng khai phá
Theo khảo sát của VISA thực hiện tháng 9/2021 tại một số quốc gia Đông Nam Á, 56% người tiêu dùng cho biết đã giảm lượng giao dịch tiền mặt, 65% cho biết giảm lượng tiền mặt giữ trong ví mà chuyển đổi sang các hình thức như thẻ, ví điện tử… Cùng với đó, hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập, kết nối các dịch vụ ngân hàng số với hầu hết các dịch vụ số khác trong nền kinh tế, mang lại trải nghiệm trên mọi lĩnh vực và tiện ích cho người tiêu dùng trên không gian số.
Tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại hiện cũng đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ ngân hàng truyền thống, sang các ngân hàng số, từ đó tích hợp các kênh thanh toán điện tử không cần sử dụng tiền mặt. Tuy nhiên, các dịch vụ này mới chỉ tiếp cận được khách hàng ở thành phố lớn và một số nhỏ tại khu vực nông thôn. Tỷ lệ người dân sử dụng tài chính số/thanh toán điện tử vẫn thuộc nhóm thấp, đặc biệt là ở nông thôn với chỉ 19% người dân sở hữu thẻ ngân hàng.
Bài toán được đặt ra là, có cách nào để người dân tiếp cận với việc thanh toán không tiền mặt một cách dễ dàng hơn, ngay cả trong điều kiện thiếu vắng những hạ tầng hiện đại như điện thoại thông minh hay Internet không?
Câu trả lời nằm ở tiền di động (Mobile Money).
Với lợi thế không cần tài khoản ngân hàng khi sử dụng, tiền di động trở thành phương thức tiện dụng để thanh toán các dịch vụ, hàng hóa có giá trị nhỏ, như điện, nước, truyền hình, viện phí, học phí hay thanh toán tiền ăn sáng, cốc trà đá, mua mớ rau, hộp bánh… Điều này đặc biệt phù hợp với người dân miền núi vùng sâu vùng xa, các vùng nông thôn và những người chưa có điều kiện sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại hoặc chưa có thẻ ngân hàng.
Cùng với việc chính thức cấp phép kinh doanh tiền di động cho các tập đoàn viễn thông lớn tại Việt Nam từ tháng 12/2021, Mobile Money được kỳ vọng sẽ trở thành phương thức thúc đẩy tài chính số nhanh chóng trên quy mô rộng khắp. Tuy nhiên, để Mobile Money thực sự đi vào từng ngõ ngách, làng xóm, các nhà cung cấp dịch vụ cần đảm bảo tính sẵn sàng của hạ tầng, công nghệ, vùng phủ…
Là đơn vị tiên phong trong cuộc cách mạng bình dân hóa điện thoại di động hơn 15 năm trước, Viettel lúc này tiếp tục ấp ủ ước mơ phổ cập dịch vụ tài chính số đến với người dân khắp mọi miền Tổ quốc. Với sứ mệnh đó, Viettel đã nghiên cứu và phát triển thành công tiền di động trên nền tảng thương mại, tài chính số Viettel Money.
Chưa có ai triển khai Mobile Money như Viettel
Ra mắt trong bối cảnh thị trường đã xuất hiện nhiều hình thức trung gian thanh toán số, tiền di động của Viettel vẫn ghi dấu ấn với những đặc trưng tiện ích riêng, khác biệt hoàn toàn với các ví điện tử hay mọi hình thức ngân hàng số có sẵn trên thị trường.
So với các nhà mạng khác, Viettel có lợi thế rất lớn khi làm chủ được công nghệ lõi tính cước theo thời gian thực OCS (Online Charging System). Giải pháp này giúp Viettel tích hợp mọi thứ: tài khoản viễn thông, Mobile Money hay ví điện tử. Các nhà mạng không làm chủ được OCS thì việc tích hợp hoặc triển khai bất cứ bài toán gì trên tài khoản viễn thông cũng gần như không thể.
Bằng việc triển khai tài khoản tiền di động theo tài khoản viễn thông, người dùng Viettel Money có thể ngay lập tức trải nghiệm chuyển tiền, mua bán, thanh toán không tiền mặt trên di động thông qua số điện thoại Viettel có sẵn. Lựa chọn hướng đi độc đáo này, Viettel có thể dễ dàng tiếp cận và nhanh chóng triển khai tài khoản tiền di động cho hàng chục triệu khách hàng đang sở hữu thuê bao Viettel.
Đi kèm những tiện ích ấy là rất nhiều tâm huyết của đội ngũ những người lính 9x VDS trong dự án Mobile Money. Khởi đầu với chuỗi 30 ngày đêm không ngủ, dự án ấp ủ mơ ước mang đến một công cụ tài chính cho toàn dân, cũng là thứ vũ khí mạnh mẽ để người dân chống lại “giặc” Covid-19.
Hoàng Anh Đức, thành viên đội ngũ dự án chia sẻ: “Những người tham gia dự án chắc chắn không bao giờ quên được những ngày làm việc đến 7h tối, về ăn vội bữa cơm rồi 9h đêm lại lên phòng tiếp tục miệt mài đến 2-3h sáng… Có người còn ăn mỳ tôm khô vì quên bữa tối.”
Nhưng với cả đội, đó vẫn là những trải nghiệm vô giá khi trở thành một người lính Viettel trong thời đại công nghệ. “Lần đầu tiên những "đứa trẻ" 9x Viettel hiểu cảm giác của một người lính tham gia vào “thời chiến” thật sự. Cảm giác đốt những giọt năng lượng cuối cùng để hoàn thiện sản phẩm một cách tốt nhất, cảm giác từng nỗ lực bé nhỏ của mình đều được người dân mong đợi, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh phức tạp,” Anh Đức tâm sự.
Đặt mục tiêu đi con đường khó nhưng đột phá, người Viettel đã có những bước chuẩn bị hết sức kĩ càng cho dự án tâm huyết. Trước khi Mobile Money chính thức được cấp phép triển khai, đội ngũ dự án đã dành hơn hai năm trời nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm sản phẩm.
Nhằm đảm bảo sản phẩm thuận tiện, dễ sử dụng, đội ngũ VDS đã triển khai thử nghiệm trong nội bộ trên phạm vi rộng: đợt 1 với toàn bộ CBNV VDS, đợt 2 với 40.000 CBNV Tập đoàn. Theo đúng chức năng dự kiến, Mobile Money được người Viettel sử dụng cho các giao dịch mua bán hàng ngày như mua cơm trưa, mua nước uống ở máy bán hàng…. Qua những phản hồi thực tế, nhóm dự án có thêm hướng phát triển tiền di động phù hợp nhất với nhu cầu của khách hàng.
Nỗ lực và thực nghiệm đã mang đến trái ngọt, tiền di động trở thành sản phẩm công nghệ “bình dân” tới mức ngay cả các khách hàng lớn tuổi cũng có thể sử dụng mỗi ngày. “Tiền di động này được sử dụng ở ngoài thì tiện phải biết. Cô quen dùng điện thoại trả tiền khi mua hàng ở đây rồi, ra ngoài mỗi lần tay xách nách mang mà phải lấy tiền để trả thấy cực lắm,” cô Tâm, nhân viên vệ sinh làm việc tại VDS cho hay.
“Hai năm qua, chúng tôi chỉ đợi đến ngày đèn chuyển xanh. Mọi thứ đã sẵn sàng cho một hành trình rất xa ở phía trước. Đầu tư kỹ lưỡng như vậy nên việc xây dựng được hạ tầng đảm bảo triển khai tiền di động là điều hoàn toàn chắc chắn”, anh Thành khẳng định quyết tâm triển khai Mobile Money của Viettel.
Với độ phủ sâu rộng của mạng lưới viễn thông Viettel, người dân tại khắp 63 tỉnh thành đều có thể ngay lập tức tiếp cận tiền di động trên Viettel Money. Không cần mạng Internet, không cần quá nhiều thủ tục đăng ký, việc thanh toán trở nên đơn giản như gọi điện thoại. Tương lai về một xã hội không tiền mặt, chi trả tiêu dùng trực tiếp chỉ với một chiếc điện thoại “cục gạch” tại chợ, hàng ăn, quán trà đá… nay không còn xa vời.
"Đây cũng là cơ sở để chúng ta đặt niềm tin về một cuộc cách mạng thanh toán số tới từ Viettel Money, đúng như sứ mệnh của sản phẩm từ khi còn “thai nghén”: thúc đẩy tài chính sổ, góp phần xây dựng xã hội số tại Việt Nam", Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ, VDS khẳng định.