Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đổi mới sáng tạo (ĐMST) đã trở một cuộc đua marathon quyết định đến sự tồn tại, phát triển của mỗi doanh nghiệp (DN). Xác định ĐMST là yếu tố mang tính “sống còn”, Viettel đã và đang từng bước vươn tới vị thế của một tập đoàn lớn mạnh toàn cầu.
“Đổi mới hay là Chết” - Bài học từ những người khổng lồ
"Đổi mới hay là Chết". Đó là một trong những câu châm ngôn nổi tiếng nhất của “cha đẻ” ngành Quản trị kinh doanh hiện đại Peter Drucker. Quan điểm này đúc kết sự khác biệt quan trọng giữa các DN sẵn sàng đổi mới, sáng tạo, bứt phá vượt lên và những công ty thất bại.
Trên thế giới đã có không ít những bài học xương máu về ĐMST mà nhiều DN khổng lồ, trong đó có cả công ty có truyền thống cả trăm năm, từng phải trả giá đắt như Nortel, Nokia hay Yahoo!. Năm 2000, trong thời kỳ đỉnh cao, Nortel có 90.000 nhân lực và có giá trị vốn hóa 250 tỷ USD. Vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc chậm đổi mới công nghệ mà vào 2009 Nortel bắt buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Tương tự, Nokia từng nắm giữ tới 41% thị phần toàn cầu, một kỷ lục sẽ khó có công ty nào tái lập. Thế nhưng đến 2013, sự thay đổi chậm chạp, trong khi cơn bão công nghệ bùng nổ đã nhấn chìm Nokia lừng lẫy. Cũng như vậy là bài học của Yahoo!, biểu tượng một thời của Internet từng được định giá 128 tỷ USD nhưng cũng sụp đổ khi “ngủ quên trên chiến thắng”.
Câu chuyện của Nortel, Nokia hay Yahoo luôn được nhắc đến là bài học sinh động và sâu sắc cho các DN về việc phải liên tục thay đổi, không ngừng ĐMST để có được lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh công nghệ đã và đang làm biến chuyển mạnh mẽ thế giới cũng như các mô hình kinh doanh truyền thống.
Viettel tiên phong mở đường đổi mới sáng tạo
Năm 2021, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ (xếp thứ 41), Ấn Độ (46) và Philippines (51), Việt Nam (44) là một trong 4 quốc gia thu nhập trung bình được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc, đánh giá là đang bắt kịp đà tăng chỉ số ĐMST toàn cầu.
Tại Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) được Clarivate - tổ chức quốc tế hàng đầu về phân tích chất lượng nghiên cứu khoa học - đánh giá là DN Việt Nam có sức ảnh hưởng nhất về ĐMST năm 2021 khu vực Nam Á và Đông Nam Á.
Clarivate đánh giá Viettel là tập đoàn công nghệ dẫn dắt về ĐMST năm 2021 toàn cầu với 4 tiêu chí: số lượng bằng sáng chế; số lượng trích dẫn; thành công của bằng sáng chế và mức độ toàn cầu hóa. Đây là kết quả của hành trình kéo dài hơn một thập kỷ, bắt đầu từ khát vọng, được thực hiện bằng sự bền bỉ và tư duy khác biệt.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng ban Chiến lược Viettel, ĐMST theo quan điểm của Viettel gồm 2 khía cạnh là các ĐMST về công nghệ, phát minh và các ĐMST hình thành mô hình kinh doanh mới.
Trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, Viettel đã làm chủ toàn bộ các thiết bị trong mạng lưới viễn thông của mình, là mạng lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam, thuộc Top 30 thế giới. Với những nỗ lực của Viettel, Việt Nam đã trở thành 1 trong 6 quốc gia phát triển thành công 5G trong thời gian chưa đầy 3 năm, sau khi công nghệ này lần đầu tiên được giới thiệu năm 2018.
“Việc Viettel đặt nền móng cho 5G cũng như nhiều công nghệ khác cho thấy Việt Nam có khả năng tiệm cận với các công nghệ tiên tiến toàn cầu nếu quyết tâm”, Trưởng ban Chiến lược Tập đoàn Viettel bày tỏ.
Trong hình thành mô hình kinh doanh mới Viettel đã có những bước chuyển đổi rất lớn về cấu trúc kinh doanh. Sau quá trình chuyển dịch, từ một DN viễn thông Viettel đã trở thành một Tập đoàn công nghệ với 4 lĩnh vực chính: (i) Viễn thông (trong nước và nước ngoài, đầu tư và cho thuê hạ tầng); (ii) Giải pháp công nghệ thông tin và Dịch vụ số (Dịch vụ hạ tầng, giải pháp CNTT, an ninh mạng, không gian mạng, tài chính số, truyền thông và giải trí số); (iii) Nghiên cứu sản xuất Công nghiệp công nghệ cao (công nghiệp quốc phòng, dân sự); (iv) Chuyển phát, logistics và thương mại.
Trên thế giới, khi đã làm công nghệ, nghiên cứu sản xuất và xác lập quyền sở hữu trí tuệ là điều mà bất cứ công ty, tổ chức nào cũng phải chú ý từ rất sớm để duy trì lợi thế cạnh tranh và bảo vệ chính mình.
“Xác định rất rõ việc một tổ chức muốn có vị trí ở thị trường công nghệ cao thì bắt buộc phải có sở hữu trí tuệ, Viettel đã đầu tư từ rất sớm cho vấn đề này”, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng cho biết.
Trong 10 năm từ 2011 - 2021, Viettel có 79 nghìn sáng kiến, ý tưởng (SKYT), trung bình mỗi giờ có thêm một ý tưởng mới. Trong số này, hơn 10 nghìn SKYT được công nhận, đem lại giá trị làm lợi hơn 5.300 tỷ đồng.
Viettel hiện có 51 bằng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam, 11 bằng bảo hộ độc quyền sáng chế tại Mỹ, sở hữu 220 công nghệ lõi, 150 công bố khoa học… Đến năm 2025, Viettel đặt mục tiêu nộp khoảng 470 đơn đăng ký sáng chế.
Theo kĩ sư Cù Xuân Hùng (Trung tâm Kỹ thuật công nghệ, TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel) quá trình nghiên cứu sáng tạo của Viettel là một hành trình lâu dài bền bỉ với nhiều nỗ lực khi phía trước Viettel chưa có con đường nào được mở sẵn.
“Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, mỗi lần chúng tôi lại rút ra được một chút kinh nghiệm, kiến thức. Cuối cùng, từ những ý tưởng sơ khai ban đầu, chúng tôi phác thảo lại, gọt dũa đi để ra được ý tưởng cuối cùng, đột phá và sáng tạo hơn. Sáng tạo thường bắt nguồn từ những điều nhỏ bé”, kĩ sư Hùng nói.