Cất gọn súng bắn nhiệt, thiết bị đo độ rung cầm tay vào ngăn tủ, anh Nguyễn Quang Vân, Tổ trưởng tổ Động cơ không rời mắt khỏi những đồ vật đã gắn bó với mình 16 năm ở CTCP Xi măng Cẩm Phả (XMCP), nay đã là “kỷ vật”. Giờ đây, hệ thống động cơ, máy điện và các máy móc mà anh Vân chịu trách nhiệm bảo trì đều đã được thay tích hợp hệ thống thông minh, kết nối không dây. Một trong những lĩnh vực vốn luôn bị gắn mác “tay chân” đang từng bước được số hóa.
20 ngày/năm – đó là số ngày tạm ngừng dây chuyền sản xuất để bảo trì, sửa chữa toàn bộ hệ thống thiết bị, vật liệu chịu lửa, động cơ ở nhà máy XMCP. Con số này có thể coi là đột phá, bởi thông thường trong ngành, các đơn vị sản xuất xi măng phải ngừng lò định kỳ 40 ngày/năm để đảm bảo công suất hoạt động của hệ thống thiết bị, vật liệu chịu lửa, động cơ trên băng chuyền sản xuất. Điều này có được là nhờ XMCP không đứng ngoài cuộc chuyển đổi số đang được thực hiện mạnh mẽ khắp Tập đoàn.
Từ số hóa bảo trì…
Đối với nhà máy sản xuất xi măng, các động cơ điện được ví như hệ thống “cơ bắp” giữ vai trò trọng yếu trong việc tạo ra gần như toàn bộ các chuyển động cơ học cho cả dây chuyền sản xuất. Nếu một trong số các động cơ trong dây chuyền sản xuất xảy ra sự cố, các động cơ khác sẽ ngừng trệ, gây thiệt hại về kinh tế, toàn bộ dây chuyền sản xuất, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng sản phẩm. Do đó, công tác sửa chữa, bảo dưỡng nhằm đảm bảo hệ thống động cơ điện hoạt động liên tục, ổn định và hiệu quả là vô cùng quan trọng.
Trước đây, việc kiểm tra, theo dõi tình trạng vận hành của các động cơ chủ yếu được thực hiện bằng sức người dựa trên một số thiết bị đo đạc cầm tay, tần suất kiểm tra theo tuần. Trung bình, các kỹ sư động cơ sẽ đo đạc các chỉ số thông tin vận hành như dòng điện, điện áp, công suất, nhiệt độ động cơ và độ rung của động cơ (2 thông số cơ bản nhất thể hiện tình trạng hoạt động của quạt, máy nghiền, bơm…) mất từ 20-30 phút nếu động cơ vận hành trơn tru. Các tín hiệu sẽ được nhân viên kiểm tra động cơ ghi lại trên sổ, lưu trữ với chu kỳ 30 ngày.
Cảm biến thông minh ABB Ability ™ Smart Sensor được lắp đặt trên các thiết bị
Thực tế, phương thức bảo trì động cơ truyền thống tiêu tốn lượng nhân công lớn, thời gian kiểm tra ngắt quãng, không theo dõi biến động chỉ số thông tin theo giờ, ngày. Không những vậy cách làm này mà chỉ theo dõi được theo tuần, thời gian kiểm tra, đo đạc mất nhiều thời gian, thông số theo dõi không toàn diện, rời rạc và có thời gian lưu trữ ngắn dẫn đến không đảm bảo tính chính xác trong công tác phân tích, đánh giá tình trạng hoạt động của thiết bị.
Trước yêu cầu bức thiết tự động hóa trong vận hành, bảo trì hệ thống động cơ điện, công ty XMCP đã nghiên cứu và tiến hành lắp đặt, sử dụng hệ thống cảm biến thông minh ABB Ability™ nhằm chuyển đổi động cơ, máy điện và các máy móc thông thường thành các thiết bị thông minh được kết nối không dây.
Mỗi động cơ sẽ được lắp đặt một cảm biến thông minh Smart Sensor. Các cảm biến này đo lường được hầu như toàn bộ các thông số vận hành (tốc độ, nhiệt độ, độ rung…) đồng thời cho phép phát hiện những bất thường nhỏ nhất trong quá trình vận hành để đưa ra những phân tích về độ hao mòn của thiết bị, độ trễ trong chu trình chuyển động của động cơ, giúp nhân viên kỹ thuật dễ dàng kiểm soát, điều chỉnh, can thiệp kịp thời nếu xảy ra sự cố.
Thông số vận hành sẽ được cập nhật liên tục theo từng phút lên hệ thống máy chủ. Người điều khiển có thể kiểm tra, theo dõi thông tin qua các thiết bị thông minh từ xa mà không cần phải đến trực tiếp từng động cơ để đo đạc các chỉ số. Các thông tin sẽ tự động truyền lên hệ thống điện toán đám mây, giúp nhân viên kỹ thuật đối chiếu, so sánh các tham số để đưa ra phương án bảo trì hiệu quả nhất, không ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất.
Theo đồng chí Trần Minh Tùng, Phó trưởng phòng điện (bộ phận trực tiếp vận hành hệ thống cảm biến thông minh ABB Ability) trước đây, việc ghi chép lại các thông số chủ yếu trên giấy, lưu trữ thông tin trong thời gian ngắn hạn theo tháng. Nhưng với hệ thống cảm biến thông minh ABB Ability, các thông số được lưu trữ theo năm. Khi một bộ phận trong động cơ điện đến chu kỳ bảo trì, đội ngũ chuyên môn dễ dàng so sánh, đối soát với các thông số theo từng năm để đưa ra quyết định chính xác, khoa học về tăng thời gian sử dụng của linh kiện, bộ phận của động cơ thay vì dừng hệ thống động cơ điện để bảo trì, thay thế bộ phận theo chu kỳ 6 tháng như trước đây. “Với công nghệ này, chi phí thay thế linh kiện được giảm thiểu, tiết kiệm thời gian, giảm hao phí, nâng cao sản lượng xi măng sản xuất”, anh Trần Minh Tùng, hào hứng chia sẻ.
… đến sẵn sàng cho chuyển đổi số toàn bộ dây chuyền
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất xi măng để xây dựng nhà máy xi măng thông minh, tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao thương hiệu và chất lượng sản phẩm là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của XMCP giai đoạn 2020-2025.
Hiện Công ty ưu tiên áp dụng công nghệ chuyển dịch số gắn với công tác quản trị của ban điều hành, tối ưu hệ thống thiết bị, máy móc theo hướng thông minh hóa, minh bạch trong công tác quản lý, quản trị các vấn đề trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ năm 2020, XMCP đã từng bước số hóa quy trình sản xuất xi măng để nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Công ty đã đồng bộ quy trình xuất hàng tích hợp giám sát hệ thống đếm bao, in phun. Công nghệ này nhận dạng siêu âm và khả năng hoạt động tốt trong môi trường có mật độ bụi cao, tính năng đếm chính xác các bao (xi măng) liền nhau, tính năng kiểm tra đối chứng bằng camera, tích hợp điều khiển máy in phun vỏ bao tự động, liên kết dữ liệu phần mềm cầu cân, báo cáo tự động...
Mô hình hệ thống ABB Ability ™
Chính nhờ công nghệ này mà năm 2020 giới truyền thông khá bất ngờ khi một công ty kinh doanh lĩnh vực tưởng như rất “truyền thống” là xi măng được tôn vinh là “Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc” của Hội Truyền thông số Việt Nam (Vietnam Digital Awards 2020).
Trước đó, trong giai đoạn đầu năm 2019, Xi măng Cẩm Phả đã triển khai đưa vào sử dụng hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp ERP. Hệ thống ERP đã giúp các phòng ban trong Công ty thao tác nghiệp vụ, chia sẻ thông tin một cách hiệu quả nhờ vào việc chuẩn hóa và tự động hóa quy trình từ đó tạo ra một cơ sở dữ liệu thống nhất.
Đặc biệt ERP có khả năng tính toán, tập hợp được giá thành mỗi sản phẩm xi măng dựa trên dữ liệu chi phí hàng tháng từ tất cả các phòng ban, phân xưởng gồm chi phí nhân công, chi phí nguyên nhiên vật liệu, vật tư, công cụ dụng cụ...qua đó giúp Ban lãnh đạo Công ty thuận lợi hơn trong việc đưa ra những quyết định kịp thời trong việc ban hành, điều chỉnh giá bán và chính sách bán hàng linh hoạt, phù hợp tại mỗi thời điểm. Ngoài ra, hệ thống cũng giúp xây dựng và quản lý ngân sách tại các đơn vị một cách hiệu quả, từ đó giúp các đơn vị sử dụng ngân sách đúng, đủ và kịp thời.
Nhìn lại hành trình tiên phong, đi đầu trong việc áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thống, Thượng tá Trần Quang Hưng, Tổng giám đốc Công ty XMCP khẳng định: “Xi măng Cẩm Phả sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào từng công đoạn và luồng quy trình nghiệp vụ trong sản xuất kinh doanh. Chúng tôi xác định để công cuộc chuyển đổi số của Công ty thành công không chỉ là công nghệ mà có cả yếu tố con người”.