Một trận chung kết bóng đá được tường thuật với sự hỗ trợ của công nghệ thực tế ảo (VR) đem đến cho khách hàng cảm giác y như ngồi trong sân vận động, một khóa dưỡng sinh cho phép người lớn tuổi cảm nhận như đang đứng tập cùng bạn bè ngoài công viên, một chuyến tham quan khu bất động sản đắc địa mà không cần đến tận nơi… Đó là những gì mà người dân Việt Nam sẽ sớm được trải nghiệm trên nền tảng Immersive Media của Viettel.
Thời đại của thực tế ảo
Với đà phát triển mạnh mẽ của công nghệ 5G, các nhà mạng viễn thông đang chuẩn bị bước vào cuộc đua đem lại trải nghiệm mới lạ cho khách hàng. Một trong các công nghệ được đẩy mạnh nghiên cứu gần đây là “trải nghiệm nhập vai” (Immersive Media), sử dụng công nghệ chủ chốt là Công nghệ thực tế ảo (Virtual reality – VR) và thực tế tăng cường (Augmented reality – AR).
Công nghệ VR là trải nghiệm mô phỏng kỹ thuật số tạo ra bởi máy tính, có thể giống hoặc khác hoàn toàn với thế giới thực, người dùng có thể cảm nhận môi trường này qua các giác quan khác nhau. Trong khi đó, công nghệ AR cho phép lồng ghép các thông tin ảo với các vật thể trong thế giới thực, người sử dụng có thể tương tác với các nội dung số trong thực tại.
KT, công ty viễn thông lớn nhất Hàn Quốc, tuyên bố phát triển dịch vụ giải trí thực tế ảo cho hành khách trên các chuyến bay. Một nhà mạng lớn của Hàn Quốc đã có kế hoạch sản xuất các nội dung truyền thông phổ biến và hấp dẫn cho các công ty giải trí, quảng cáo, thể thao cũng như giáo dục; đồng thời khai thác thị trường toàn cầu thông qua cung cấp các dịch vụ Jump AR/VR - mô phỏng thực tế tăng cường cung cấp các dịch vụ giải trí đa dạng, gồm cả chụp ảnh với hình đại diện 4D của người nổi tiếng.
Anh Lê Mạnh Linh - VTNet cùng đồng nghiệp nghiên cứu phát triển dịch vụ Livestream video 360
SK Telecom, một nhà mạng lớn khác cũng công bố hợp tác với Microsoft hướng đến tạo ra các nội dung ứng dụng công nghệ mô phỏng AR/VR. Nhà mạng T-Mobile cũng định hướng chiến lược phát triển gắn với AR/VR ứng dụng mạng lưới 5G tốc độ cao phục vụ nhiều ngành công nghiệp, từ chăm sóc sức khỏe cho tới sản xuất chế tạo, nông nghiệp…
Trong khi đó, Felix&Paul Studios, hãng chuyên làm phim thực tế ảo, đã ký kết hợp đồng tài trợ và phân phối với nhóm liên minh các công ty viễn thông toàn cầu để thực hiện chương trình ghi lại cuộc sống của các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Với sức mạnh của công nghệ thực tế ảo, các công ty viễn thông đang đứng trước cơ hội kinh doanh mới khi tham gia vào hệ sinh thái AR/VR - công cụ hiệu quả để nâng cao hiệu suất xử lý công việc trong kỷ nguyên số hoá hoàn toàn.
Trải nghiệm mới về thực tế ảo từ Viettel
Trong khi các dịch vụ viễn thông truyền thống đang sụt giảm và khách hàng cần những trải nghiệm mới, các nhà mạng viễn thông tiếp tục phải tự tái tạo và đầu tư vào các công nghệ mới song song với việc đảm bảo lợi nhuận từ các mảng kinh doanh cốt lõi. Trên thế giới, các nhà mạng đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng 5G hơn 8 tỷ USD. Để có thể thu lại số vốn đã bỏ ra đầu tư, họ cần đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mới mẻ, tận dụng được sự phát triển của công nghệ 5G và công nghệ thông tin nói chung.
Viettel không đứng ngoài cuộc. Nắm bắt xu thế này ngay từ đầu 2021, các kỹ sư Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (VTNet) đã chủ động tìm hiểu về thực tế ảo. Sau 6 tháng nghiên cứu, đầu tháng 7/2021, Trung tâm Quản lý Dịch vụ đã thử nghiệm bắt đầu từ việc giả lập tín hiệu trên hệ thống thực để đánh giá tính tương thích của đường truyền. Lợi thế của Viettel chính là hạ tầng mạng lưới rộng khắp, đáp ứng việc cung cấp tiện ích trên phạm vi rộng. Bên cạnh đó, các ứng dụng tương tác thực tế ảo yêu cầu băng thông Internet rất cao. Như Livestream video 360º chất lượng 4K, 8K đòi hỏi tốc độ tải lên (upload) tới hàng trăm Mpbs, điều chỉ có được ở mạng di động 5G. Tuy nhiên, thách thức đó lại trở thành ưu thế của Viettel, nhờ vào việc tiên phong triển khai 5G sớm nhất, phủ sóng ở nhiều tỉnh nhất tại Việt Nam. Để cung cấp các dịch vụ thực tế ảo, VTNet cần đáp ứng nhiều công nghệ hiện đại như thiết bị ghi hình 360º độ nét cao, truyền tải và xử lý nội dung 4K, 8K, kính thực tế ảo,…
Theo đại diện của VTNet, Viettel đang đầu tư mạnh mẽ để trở thành top những quốc gia đi đầu về 5G. Bên cạnh đó, nhằm chuẩn bị các nội dung để kích cầu cho 5G, Viettel đang hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để xây dựng nền tảng cho Immersive Media phát triển thêm phần tương tác. Một ví dụ có thể kể đến là game cho các trung tâm thương mại, cho phép người dùng trải nghiệm các dịch vụ bằng công nghệ thực tế ảo VR qua Video 360.Viettel cũng có thể cung cấp cho khách hàng một trận bóng đá dựa trên nền tảng Immersive Media với sự hỗ trợ của VR và các góc quay của camera. Người trải nghiệm sẽ có cảm giác y như đang ngồi trong sân vận động. Hay những người cao tuổi có thể xem các hướng dẫn về tập thể dục dưỡng sinh, những người trẻ có thể chơi game nhập vai, nhảy dù, tham quan bất động sản, đi du lịch, tổ chức sự kiện… với sự hỗ trợ của thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường.
Viettel sẽ cấp dịch vụ Immersive Media cho tập khách hàng 28 triệu người truy cập dịch vụ TV360.
Tính năng Livestream video 360º sẽ được phát triển trên phần mềm TV360 của truyền hình Viettel để tận dụng nền tảng sẵn có, sẵn sàng cung cấp video với chất lượng lên đến 8K. Qua đó, Viettel sẽ trở thành nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam triển khai dịch vụ này. Viettel sẽ cung cấp dịch vụ cho tập khách hàng của TV360 với khoảng 28 triệu người truy cập dịch vụ. Sau đó, dịch vụ này sẽ được lan tỏa tới các khách hàng khác. Viettel cũng đã hợp tác với các đối tác như LG, mua thêm nội dung cho Immersive Media chẳng hạn như K-POP để đánh giá nhu cầu của đối tượng khách hàng trẻ. Để tăng sự phong phú nội dung Immersive Media cung cấp cho khách hàng, định hướng của Viettel là sẽ vừa mua nội dung và vừa tự sản xuất. Tháng 10/2021, VTNet hoàn thiện các điều kiện kỹ thuật để thử nghiệm Livestream video 360º trong phòng lab trước khi thử nghiệm tại các sự kiện thực tế vào cuối 2021. Cùng với tiến độ phủ sóng 5G, đầu năm 2022, Viettel có thể chính thức cung cấp ứng dụng Livestream video 360º đến người dùng, đồng thời thử nghiệm công nghệ VR/AR để hoàn thiện hệ sinh thái truyền hình tương tác thực tế ảo.
Anh Lê Mạnh Linh, Trung tâm Quản lý Dịch vụ, người chủ trì phát triển Livestream Video 360º, đặt rất nhiều kỳ vọng cũng như quyết tâm cho sản phẩm. Anh Linh chia sẻ: “Phát triển thành công công nghệ một lần nữa khẳng định vai trò tiên phong kiến tạo xã hội số của Viettel. Điều đó tạo thêm động lực cho chúng tôi trong suốt quá trình nghiên cứu, phát triển ứng dụng. Thách thức lớn nhất là việc xây dựng mô hình triển khai phù hợp với mạng lưới của Viettel. Bởi lẽ, đây là dịch vụ mới, lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam. Chúng tôi phải tham khảo từ các nhà mạng đi đầu thương mại hóa 5G cũng như cung cấp các dịch vụ thực tế ảo tại Mỹ và Hàn Quốc, hay các đối tác kỹ thuật đến từ Hà Lan, UAE, Israel”.
Anh Linh cũng cho biết thêm, vì đây là công nghệ mới nên rất nhiều đơn vị của Tổng Công ty đã tham gia vào quá trình đánh giá, thử nghiệm và xây dựng các tiêu chuẩn đáp ứng như Trung tâm Chiến lược Mạng lưới và Đổi mới Công nghệ, Trung tâm Kỹ thuật Toàn cầu, Trung tâm Vận hành Khai thác Toàn cầu, Trung tâm Quản lý Dịch vụ. Để hoàn thiện sản phẩm đến tay người dùng, ngoài VTNet sẽ cần sự chung tay của nhiều đơn vị khác trong Tập đoàn như Tổng Công ty Viễn thông Viettel, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel và Công ty Truyền thông Viettel.
“Hiện khách hàng vẫn đang trải nghiệm VR chủ yếu qua smartphone, tuy nhiên nếu khách hàng có kính VR thì cảm giác trải nghiệm sẽ tốt hơn rất nhiều. Trong 2 – 3 năm tới, nhu cầu VR tăng cao thì giá kính VR sẽ giảm xuống. Lúc đấy, Immersive Media sẽ nhắm đến khách hàng sử dụng kính VR nhiều hơn. Trải nghiệm nhập vai của khách hàng sẽ tốt hơn so với việc sử dụng trên smartphone”, đại diện VTNet lý giải. “Immersive Media đang là dịch vụ kích cầu data mạnh mẽ cho các nhà mạng trên thế giới. Đây là cơ hội để thúc đẩy tiêu dùng data của khách hàng Viettel, bởi Immersive Media yêu cầu tiêu dùng data lớn với tốc độ cao. Các dịch vụ Immersive Media sẽ được các nhà mạng ưu tiên cung cấp trên dịch vụ 5G”.
Hiện Viettel đã cung cấp dịch vụ Immersive Media cho các video 360. Trong thời gian tới, Immersive Media có thể được mở rộng cung cấp trên các nền tảng khác như Keeng, hay Myclip… phục vụ cho nhu cầu giải trí của khách hàng.
Video 360º là video ghi lại hình ảnh ở mọi hướng xung quanh camera trong cùng một thời điểm, được tạo ra bởi một hệ thống camera. Người xem có thể trải nghiệm khung cảnh ở mọi góc 360º thông qua các thiết bị đầu cuối (kính thực tế ảo, điện thoại thông minh, tivi thông minh, máy tính bảng).
VR (Virtual Reality - thực tế ảo) là công nghệ tạo ra môi trường tương tác ảo. Người dùng có thể nhìn thấy môi trường tương tác ảo này thông qua thiết bị như kính VR.
AR (Augmented Reality - thực tế tăng cường) là công nghệ tạo ra môi trường tương tác thực tế, được bổ sung thêm các thông tin ảo để tăng cường sự trải nghiệm cho người dùng (AR là sự kết hợp của thế giới thực với thông tin ảo).