LỜI BAN BIÊN TẬP

Kính gửi Quý bạn đọc,

Xuất thân là một đơn vị quân đội, Công ty Thông tin M3 (tiền thân là Nhà máy thông tin M3) tự đặt ra phương châm hoạt động “Chất lượng là lương tâm của người thợ, là danh dự của nhà máy”. Trong chuyến thăm Nhà máy tháng 02/1982, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã bày tỏ sự đồng tình với khẩu hiệu này. “Muốn có chất lượng trong sản xuất, trước hết phải có chất lượng từng con người, chất lượng người thợ càng cao thì chất lượng sản phẩm càng tốt, lương tâm người thợ càng trong sáng, trọn vẹn. Còn danh dự của Nhà máy, trước hết là danh dự của từng đồng chí. Danh dự của từng người càng được giữ gìn, tôn trọng bao nhiêu thì danh dự của Nhà máy càng được nêu cao rực rỡ bấy nhiêu”.

Lời nhắn nhủ đó đã luôn theo sát M3 trong nhiều năm phát triển. Từ một nhà máy quân đội ra đời vào những năm tháng chiến tranh ác liệt với nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa khí tài thông tin hữu tuyến điện, đến nay M3 đã trở thành nhà sản xuất cáp quang số 1 tại Việt Nam, dẫn đầu trong nghiên cứu, sản xuất phụ kiện ngành viễn thông, từng bước chinh phục thị trường quốc tế.

Bước vào giai đoạn mới, trước những thách thức mới, M3 luôn vững tin hướng tới mục tiêu trở thành Công ty cơ khí chính xác công nghệ cao hàng đầu Việt Nam.

Tiếp tục phát huy giá trị truyền thống, cốt lõi được hun đúc từ 50 năm qua, M3 ngày hôm nay đang tiếp tục xây dựng một tập thể những người "lính thợ" gắn kết, máu lửa, quyết tâm cao, phát triển văn hóa & con người M3 với tinh thần “Sáng tạo - Cống hiến - Khác biệt”.

Trân trọng,

BAN BIÊN TẬP

Thiếu tướng Lê Đăng Dũng :"Để xây dựng nền quốc phòng công nghệ cao, M3 gánh vác ít nhất một nửa"

Quang Minh

“Trải qua hơn một thập kỷ sau khi gia nhập Tập đoàn Viettel từ năm 2009, M3 đã được những thành tựu ấn tượng, trở thành một trong các đơn vị nòng cốt. Giai đoạn 2021- 2025, M3 được giao nhiệm vụ phát triển thành một trung tâm cơ khí chính xác hiện đại nhất đất nước, tạo ra những sản phẩm chất lượng ngang tầm thế giới.” Đó là khẳng định của Thiếu tướng Lê Đăng Dũng – Quyền Chủ tịch kiêm TGĐ của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội chia sẻ về “trung tâm cơ khí chính xác công nghệ cao” M3.

Thưa đồng chí, năm nay là kỷ niệm tròn 50 năm thành lập của Công ty Thông tin M3, một thành viên quan trọng trong định hướng trở thành Tổ hợp Công nghiệp Quốc phòng Công nghệ cao của Tập đoàn Viettel. Kể từ khi gia nhập Ngôi nhà chung, có thể nói, M3 đã có những bước phát triển vượt bậc về cả quy mô, trình độ con người và sản xuất kinh doanh. Là nhà lãnh đạo đã trực tiếp tham gia tiếp nhận Nhà máy M3 từ Bộ Tổng tham mưu, cũng như theo sát các bước phát triển của Công ty Thông tin M3 trong suốt thời gian qua, đồng chí có nhận xét thế nào về thành quả đơn vị này đạt được đến thời điểm hiện tại?

Năm 2009, ngay từ khi M3 gia nhập ngôi nhà của Viettel, chúng tôi đã xác định rất rõ nhiệm vụ cho đơn vị. M3 được định hướng lại, trở thành trung tâm cơ khí điện tử hiện đại nhất của đất nước, ngang tầm khu vực và thế giới. Với định hướng đó, chúng tôi nhanh chóng đầu tư những thiết bị hiện đại nhất cho M3 và đào tạo cán bộ, tổ chức lại công ty một cách hoàn chỉnh.

Tôi vẫn nhớ rõ khi nhận chuyển giao từ Bộ Tư lệnh Thông tin, cơ sở vật chất của nhà máy lúc đó rất nghèo nàn, đặc biệt là máy móc, hạ tầng. Chúng tôi vẫn quyết định đầu tư lớn cho M3, và tôi là một trong những người tham gia dự án đầu tư máy CMC năm 2011. Đây là loại máy rất hiện đại vào thời bấy giờ. Dự án đó đến nay vẫn là cơ sở cực kỳ quan trọng, nền tảng ban đầu để M3 phát triển.

Những chiến lược đặt ra và được triển khai tại M3 đến nay đã mang lại kết quả rõ ràng. Đơn vị đã sản xuất ra những thiết bị cơ khí điện tử chất lượng cao và được ứng dụng trong rất nhiều thiết bị công nghệ cao của Viettel. Có thể khẳng định, M3 đã đạt được những kết quả mà Viettel kỳ vọng.

M3 giờ đây đã trở thành đơn vị có vai trò quan trọng trong nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ cao góp phần hiện đại hóa Quân đội, là nhà sản xuất cáp quang số 1 Việt Nam, tham gia vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ toàn cầu… Trong số những kết quả đó, đồng chí ấn tượng nhất với thành tựu nào của đơn vị?

Sau khi gia nhập Viettel, M3 đã có sự tăng trưởng doanh thu rất lớn so với thời kỳ trước, nhưng tôi còn đánh giá cao M3 dựa trên các sản phẩm của công ty. Giai đoạn 2016-2021, M3 đã nghiên cứu sản xuất thành công rất nhiều thiết bị công nghệ cao phục vụ quân đội cũng như những nhiệm vụ chiến lược của Tập đoàn.

Việc nghiên cứu, sản xuất các thiết bị đó yêu cầu trình độ công nghệ ở mức cao, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí, nhưng M3 đã hoàn thành xuất sắc. Tôi cho rằng đó là giai đoạn M3 thay đổi hoàn toàn về chất, không chỉ hoạt động trong quy mô nội địa mà còn vươn tầm thế giới.

Thực tế, một số công ty công nghệ cao trên thế giới đã đặt hàng M3 sản xuất các linh kiện, sản phẩm tiêu chuẩn cao để phục vụ nhu cầu của thế giới.

Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, mục tiêu đặt ra với công tác nghiên cứu và phát triển sản phẩm của M3 là phải đáp ứng tiêu chí chung: “Công nghệ tiên tiến – Chất lượng Hàn Quốc – Giá Trung Quốc” và có thể bán được ra thế giới. Yêu cầu này có ý nghĩa như thế nào, thưa đồng chí?

“Công nghệ tiên tiến – Chất lượng Hàn Quốc – Giá Trung Quốc” - Đó là cách nói dân dã để định vị thế mạnh cạnh tranh cho đơn vị thôi. Khoa học công nghệ trên thế giới đang phát triển như vũ bão. Chúng tôi mong muốn và đặt mục tiêu cho M3 phát triển các sản phẩm mang tính chuyên môn cao, đặc biệt là sản phẩm rất tinh xảo như những chi tiết trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Chúng tôi xác định M3 phải phát triển sản phẩm chủ đạo là những sản phẩm cực kỳ chính xác dùng trên máy bay, tên lửa, thậm chí là tàu vũ trụ.

Điều quan trọng là phải bắt đầu nghiên cứu các loại vật liệu mới, vật liệu thông minh. Đó là nền tảng của ngành cơ khí chính xác. Chúng tôi cũng yêu cầu M3 phải đạt được các tiêu chuẩn tiên tiến nhất trên thế giới trong giai đoạn 2020 – 2025.

Tất cả các hoạt động sản xuất của M3 phải được chuyển đổi số, đặc biệt phải dựa trên phân tích dữ liệu lớn, tức là mọi quyết định, định hướng đều phải dựa trên kết quả phân tích dữ liệu lớn. Tất cả các vấn đề quản trị nội bộ đều phải ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động tự động, đặc biệt là vấn đề quy trình. Thực chất, công ty M3 là một nhà máy hiện đại nên quy trình sản xuất phải ở mức tiên tiến nhất của thế giới.

Chúng tôi đặt kế hoạch chỉ trong vòng vài năm tới, M3 sẽ thực hiện hoàn chỉnh các hoạt động chuyển đổi số nội tại.

Thưa đồng chí, trong sứ mệnh trở thành nòng cốt xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Viettel, M3 đóng vai trò như thế nào?

Để hoàn thành nhiệm vụ trở thành hạt nhân của việc xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, Viettel cần triển khai 2 lĩnh vực: Về sản xuất điện tử, chúng tôi giao cho Công ty Thông tin M1. Về sản xuất cơ khí chính xác, chúng tôi giao cho Công ty Thông tin M3.

Có thể nói, để xây dựng một nền quốc phòng công nghệ cao, M3 gánh vác ít nhất là một nửa và là nửa rất quan trọng. Thậm chí, với sự phát triển của khoa học hiện nay, cơ khí chính xác là điều không thể thiếu trong việc xây dựng nền công nghiệp quốc phòng công nghệ cao.

Chúng tôi đã đặt ra nhiệm vụ rõ ràng. Giai đoạn 2021- 2025, M3 sẽ phát triển thành một trung tâm cơ khí chính xác hiện đại nhất đất nước, tạo ra những sản phẩm chất lượng ngang tầm thế giới, đóng góp vào việc xây dựng tổ hợp công nghệ cao ở Việt Nam, đồng thời cũng cung cấp những sản phẩm đó cho các công ty trên thế giới.

Để thực hiện được điều đó, ngoài nỗ lực của M3, Tập đoàn Viettel sẽ hỗ trợ đơn vị ở một số khía cạnh.

Thứ nhất, quan trọng nhất là đào tạo con người, làm sao để M3 có một lực lượng nhân viên, chuyên gia chất lượng cao, đồng thời tổ chức công ty hiện đại, phù hợp với quy trình sản xuất.

Thứ 2, Tập đoàn sẽ đầu tư công nghệ hiện đại nhất cho M3 theo hướng trở thành tổ hợp sản xuất hiện đại.

Cuối cùng, Tập đoàn sẽ đặt hàng M3 sản xuất sản phẩm, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm của công ty.

Xin cảm ơn đồng chí!

"Lên đến đẳng cấp quốc tế, cần có con người và văn hóa doanh nghiệp ở tầm quốc tế"

Liên tục gặt hái những thành tựu với sản phẩm, bước đi đột phá ra quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng để hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025 là trở thành Công ty Cơ khí chính xác hàng đầu Việt Nam, đồng chí Đặng Đình Thi, Giám đốc M3, luôn khẳng định: “Máy móc và Robot, AI, làm theo con người có thể thay thế con người ở một số công đoạn, nhưng con người vẫn là nhân tố quyết định”.
Đọc thêm

Thu hút và gìn giữ những "bàn tay vàng"

Định hướng phát triển sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực quốc phòng và Hàng không Vũ trụ, M3 gần đây đã trở thành một “thương hiệu” thu hút được sự chú ý của nhiều nhân lực có trình độ. Dù điểm làm việc nằm ở cách xa trung tâm Thủ đô, vẫn có nhiều nhân sự chất lượng cao tình nguyện “đầu quân” cho M3. Đằng sau sự chuyển mình của công tác tuyển dụng đó là những bước đi vững chắc để thu hút và giữ chân nhân tài.
Đọc thêm

Cáp quang "siêu gọn nhẹ": Vượt chính mình để làm điều không thể

6 tháng phát triển thành công, giá trị xuất khẩu trong năm đầu tiên lên tới 6 triệu USD. Thành công của Công ty Thông tin M3, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, với cáp micro module có vẻ rất có duyên với con số 6. Và trên hành trình tạo ra “Sản phẩm vàng Việt Nam” (2019) này, có thể thấy hình bóng của một số 6 khác – Giá trị cốt lõi thứ 6 của Viettel: Kết hợp Đông – Tây: kết hợp những thành quả từ sản phẩm đã được chứng minh ở châu Âu với tư duy nghiên cứu và vượt khó rất… Viettel.
Đọc thêm

Chiếc điện thoại mang sứ mệnh thực hiện nhiệm vụ quốc phòng

Đến thời điểm hiện tại, IP Phone – điện thoại sử dụng trên nền mạng Internet thay cho tín hiệu analog truyền thống, là dòng sản phẩm hiện đại nhất được áp dụng trong lĩnh vực quân sự. Tất cả các thiết bị sử dụng hiện tại trong quân đội đều là nhập khẩu. Để tăng khả năng tự chủ, Binh chủng Thông tin Liên lạc đã đặt hàng với Viettel về sản xuất điện thoại IP, và nhiệm vụ này được Tập đoàn giao cho Công ty Thông tin M3, đơn vị chuyên sản xuất thiết bị thông tin hữu tuyến.
Đọc thêm

M3 là một ngôi nhà!

Đầu năm 2021, Covid-19 quay trở lại Việt Nam với những tác động mạnh mẽ vào nền kinh tế. Khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người M3 vẫn chung tay giữ vững sản xuất. Gần 600 cán bộ công nhân viên của M3 được đảm bảo 100% công việc so với thời điểm trước dịch, thu nhập trung bình thậm chí còn tăng so với năm 2020.
Đọc thêm

Chuyển đổi số bền vững ở M3 - Từ con người đến hệ thống

Long Văn

Trên chặng đường nửa thế kỷ đã đi qua, cán bộ công nhân viên Công ty Thông tin M3 đã chứng kiến đơn vị của mình trải qua rất nhiều lần thay đổi để trưởng thành hơn. Hơn 10 năm kể từ ngày chuyển giao từ Bộ Tổng tham mưu của Bộ Quốc phòng về Tập đoàn Viettel và đạt những thành tựu rực rỡ, hôm nay, người Viettel ở M3 lại đang hứng khởi bước vào một cuộc thay đổi toàn diện khác, mang tên “Chuyển đổi số”.

Chuyển đổi số đến từ tư duy của từng cá nhân…

Thực tế, chỉ đạo của Lãnh đạo Tập đoàn đã được M3 tiếp nhận từ vài năm qua, không chỉ ở quy mô doanh nghiệp, mà ở từng xí nghiệp, phân xưởng của M3, quá trình này cũng đang được thực hiện. Chị Đỗ Thị Hoa (nhân viên Vật tư Xí nghiệp Cơ khí, Công ty Thông tin M3) kể, trước đây, các loại dao cụ được nhân viên kỹ thuật Công ty M3 xây dựng định mức và thực hiện cấp phát, tính chi phí theo dự án. Sau khi kết thúc, số dao cụ này được coi là vật tư tiêu hao, không nằm trong danh mục cần quản lý, thu hồi và không đánh giá giá trị còn lại để tận dụng cho các dự án khác, công việc khác. Chị Hoa cho biết, hình thức quản lý dao cụ này khiến chị nhiều khi phải làm thêm ngoài giờ, có khi đến tối muộn.

“Bản thân tôi và những người thợ sản xuất là người trực tiếp lĩnh và sử dụng hàng ngày, chúng tôi luôn trăn trở và muốn tìm giải pháp để có thể tiết kiệm được chi phí cho Công ty. Vì vậy, sau 3 tháng tìm hiểu, nghiên cứu, chúng tôi đã xây dựng được phần mềm quản lý dao cụ dựa trên nền tảng lập trình VBA trong Excel”, chị Hoa chia sẻ.

DSC01726.jpg

Bước vào giai đoạn đầu áp dụng phần mềm, việc thay đổi tư duy, phương pháp làm việc không khỏi khiến các cán bộ, nhân viên xí nghiệp cơ khí bỡ ngỡ. Chị Hoa nhận định, với những lợi ích của phần mềm mang lại như tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức, cán bộ, nhân viên trong xí nghiệp đã nỗ lực không ngừng nghỉ từng bước làm chủ hệ thống, đồng thời thay đổi phương pháp làm việc phù hợp.

“Ngoài giá trị như quản lý được số lượng dao cụ, công dụng cụ đầu vào và xuất ra; có dữ liệu tra cứu số lượng tồn kho; truy xuất được dữ liệu bàn giao cho từng cá nhân sử dụng; truy xuất được dữ liệu về lệnh sản xuất; … thì con số 1.900 dao cụ mới, tương ứng gần 1 tỷ đồng là chi phí tiết kiệm được từ đầu năm 2020 đến nay nhờ vào việc sử dụng phần mềm quản lý dao cụ - một sáng kiến bắt nguồn từ việc cam kết thực hành văn hóa số của cán bộ, nhân viên Công ty Thông tin M3”, chị Hoa nói.

…đến khởi nguồn văn hóa số tối ưu nguồn lực

Bên cạnh những sáng kiến chuyển đổi số mang tính cá nhân, M3 cũng đã hình thành thói quen ứng dụng công nghệ số, đưa ra quyết định dựa trên phân tích cơ sở dữ liệu, xây dựng hệ thống nghiên cứu chế thử, phân tích trước khi ký hợp đồng. Khi dựa trên các dữ liệu đã được lưu trữ, quá trình đi vào sản xuất sẽ rút ngắn, tối ưu quy trình, chi phí về nhân công, vật tư. Từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh, giúp nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.

Chẳng hạn, ngay từ khâu lựa chọn nhà cung cấp có loại sợi aramid phù hợp với cáp quang, M3 đã triển khai, xây dựng cơ sở dữ liệu số thông qua việc đo đạc kiểm tra tại phòng Lab của công ty. Dựa trên các kết quả đo, đơn vị đã thành lập được bộ cơ sở dữ liệu về cơ tính của sợi, hãng sản xuất sợi… Nhờ đó, công ty đã tối ưu trong việc thiết kế sản phẩm trước khi đưa vào sản xuất, giảm 30% thời gian lựa chọn chỉ tiêu kỹ thuật và đối tác cung cấp vật tư; tối ưu được 2%-3% chi phí sản xuất cáp quang ADSS...

Sau quá trình sản xuất, công ty cũng đã đẩy mạnh và áp dụng triệt để công nghệ số trong việc lập hồ sơ trực tuyến trong hoạt động xuất khẩu các đơn hàng cáp quang ra thị trường nước ngoài. Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu còn liên quan tới vấn đề gắn chặt ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông với thu thập và xử lý dữ liệu sản phẩm. Chẳng hạn như vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hoá xuất khẩu. Đối với hoạt động truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, M3 đã hoàn toàn thực hiện việc đăng ký giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ trực tuyến thay cho việc phải lên Bộ Công thương đăng ký trực tiếp như trước kia, giúp tiết kiệm thời gian cho công ty và đặc biệt đã tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định.

… và những chuyển đổi trên toàn hệ thống

Anh Chu Tiến Dũng, phụ trách phòng Công nghệ Thông tin (Công ty Thông tin M3) cho biết, hiện công ty đã đưa giải pháp ERP SAP B1 của Đức vào vận hành chính thức sau 2 năm triển khai. “Toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ từ bán hàng, mua hàng, quản lý sản xuất, quản lý tài sản và Kế toán tổng hợp đều đã được thực hiện trên hệ thống hiện đại này. Rất nhiều những vướng mắc, tồn tại trên hệ thống quản trị cũ đã được giải quyết”.

Theo anh Dũng, việc triển khai hệ thống là một quá trình chuyển đổi lớn, thay đổi toàn bộ văn hóa của Công ty trong hoạt động kinh doanh và sản xuất về hành vi số, nhận thức số. “2 năm đó có thể coi là giai đoạn quá độ - giai đoạn mà tập thể Công ty Thông tin M3 đã phải lựa chọn thay đổi thói quen, hình thành những văn hóa mới trong hoạt động kinh doanh và sản xuất, trong đó có những lựa chọn hy sinh những thành quả hiện tại, để tiếp nhận những tư duy mới, công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý điều hành hoạt động của Công ty, nó cũng là bước đầu tiên trong quá trình triển khai Chuyển đổi số của M3”.

Theo anh Dũng, một trong những thách thức chính của M3 sẽ phải đối mặt là đảm bảo các nhân sự của mình được đào tạo kỹ càng về hệ thống, và chấp nhận thay đổi tư duy, thay đổi quy trình thực hiện nghiệp vụ. “Việc tiếp cận một hệ thống mới bao giờ cũng khó khăn, tâm lý của số đông người dùng là ngại thay đổi, ngại học cái mới, nhất là tiếp cận với một giải pháp chuẩn của thế giới thì tính tuân thủ, tính nguyên tắc sẽ yêu cầu rất cao”. Ban quản lý dự án và đối tác đã kiên trì đồng hành cùng các các bộ tại Công ty M3 quyết tâm triển khai toàn bộ nghiệp vụ trên hệ thống mới.

Hiện nay, Dự án ERP của Công ty M3 đã ở giai đoạn vận hành khai thác hệ thống, toàn bộ các nghiệp vụ chính của doanh nghiệp đều được chuẩn hóa và quản lý trên hệ thống giúp cho Ban Lãnh đạo công ty luôn có được báo cáo một cách chính xác và kịp thời về tình hình kinh doanh và sản xuất của công ty.

Từ những kết quả đầu tiên của việc triển khai Chuyển đổi số. Trong giai đoạn tiếp theo, Công ty sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa, đó là mục tiêu triển khai Nhà máy thông minh (Smart Factory) qua việc áp dụng các giải pháp về tự động hóa, về Quản lý giám sát thông minh (có IOT), quản trị sản xuất MES, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng của sản phẩm, hướng đến việc đem lại giá trị tốt nhất cho khách hàng.

“Cũng giống như các đơn vị trên toàn Tập đoàn, tất cả các hoạt động sản xuất của M3 phải được chuyển đổi số, đặc biệt phải dựa trên phân tích dữ liệu lớn, tức là mọi quyết định, định hướng đều phải dựa trên kết quả phân tích dữ liệu lớn. Tất cả các vấn đề quản trị nội bộ đều phải ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động tự động, đặc biệt là vấn đề quy trình. Thực chất, công ty M3 là một nhà máy hiện đại nên quy trình sản xuất phải ở mức tiên tiến nhất của thế giới. Chúng tôi đặt kế hoạch chỉ trong vòng vài năm tới, M3 sẽ thực hiện hoàn chỉnh các hoạt động chuyển đổi số nội tại”, những chỉ đạo của Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm TGĐ của Tập đoàn Viettel, cũng chính là tinh thần của cuộc chuyển đổi số đã được từng người M3 nhận thức từ nhiều năm nay.

Hơn cả những giọt máu đào

Tại khu tập thể M3 ở làng thợ Xuân Khanh, những đứa trẻ đã lớn lên không chỉ trong vòng tay yêu thương bố mẹ mà còn từ tình cảm của người M3. Khi trưởng thành, mang trong mình khối óc và trái tim của M3, của người Viettel, họ tiếp nối truyền thống của gia đình, viết tiếp trang sử hào hùng của đơn vị.
Đọc thêm

Diện mạo mới, tầm vóc mới

Không chỉ chuẩn bị từ nguồn lực con người, tâm thế, M3 còn chuẩn bị sẵn sàng về máy móc, dây chuyền hiện đại, tối tân để đảm bảo sản xuất hiệu quả, tối ưu. Với M3, nhà máy không chỉ là nơi tạo ra sản phẩm mà đó còn là nơi ươm mầm, nuôi dưỡng khát vọng trở thành Công ty cơ khí chính xác công nghệ cao hàng đầu Việt Nam.
Đọc thêm

50 năm tinh thần "Sáng tạo - Cống hiến - Khác biệt"

Ngoài phát huy giá trị truyền thống, cốt lõi được hun đúc từ 50 năm qua, đội ngũ M3 ngày hôm nay vẫn đang phát triển văn hóa, con người M3 với tinh thần “Sáng tạo – Cống hiến – Khác biệt”. Đó là cơ sở, là nền tảng để M3 tiếp tục tiến xa hơn nữa trong tương lai. Thượng tá Vũ Hồng Phong, Bí thư Đảng ủy – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thông tin M3, đã có những chia sẻ về những sức mạnh tinh thần đang tạo ra những sức mạnh để Công ty tự tin trên con đường phía trước.
Đọc thêm

Cơ hội làm chủ công nghệ lõi đến từ khó khăn mang tên Covid

Ngọc Hải

Lịch sử Viettel đã trải qua rất nhiều lần tạo ra đột phá khi bị đẩy vào những tình thế khó khăn. Năm đầu tiên M3 tham gia chuỗi cung ứng linh kiện Hàng không vũ trụ toàn cầu cũng là một minh chứng. Cơ hội làm chủ công nghệ lõi đến với M3 chính từ khó khăn của “người anh em” Viện Hàng không Vũ trụ Viettel do đại dịch Covid-19.

Theo kế hoạch năm 2021, Viện Hàng không Vũ trụ (VTX) được giao liên kết với các đơn vị nước ngoài như Brazil, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản… để chuyển giao công nghệ, qua đó nắm quy trình sản xuất. Tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 ngày một căng thẳng, việc hợp tác tạm ngừng trệ.

Để kịp tiến độ kế hoạch, VTX chuyển hướng tìm kiếm đối tác trong nước gia công chế tạo một số chi tiết động cơ. Một trong số đó là chi tiết động cơ nén áp suất cao – hay compressor - có biên dạng phức tạp nhất. Động cơ này bao gồm 5 tầng nén với các cánh mỏng có thiết kế phức tạp, sắp xếp so le với mật độ dày, yêu cầu chính xác cao về độ đồng tâm và kích thước lắp ghép.

Anh Nguyễn Trung Thiên, Trưởng phòng Kỹ thuật, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển sản phẩm của M3, cho biết: “Lúc đó VTX đã có bản vẽ thiết kế 3D của sản phẩm, tuy nhiên hầu như chưa có đối tác trong nước nào có kinh nghiệm thực thi. Trong hoàn cảnh đó, được sự giao phó của Ban Tổng giám đốc Tập đoàn, M3 đã nhận nhiệm vụ chế tạo thử chi tiết compressor”.

Đầu tháng 5/2021, anh Trần Thanh Bình, Trưởng ban Cơ khí công nghệ cao nhận trách nhiệm làm trưởng dự án chế tạo chi tiết compressor, bắt đầu lên kế hoạch triển khai chi tiết.

“Được giao nhiệm vụ lớn, trong khi anh em M3 chưa có kinh nghiệm chế tạo một chi tiết phức tạp như vậy, quả thực lúc đó tôi khá lo lắng. Nhưng đi kèm với đó là sự phấn chấn. Nếu hoàn thành, M3 sẽ làm chủ được một trong những công nghệ lõi thuộc dạng khó nhất”, anh Bình chia sẻ. Đứng trước các kỹ sư M3 là một “núi” thách thức khổng lồ. Yêu cầu kỹ thuật đòi hỏi độ chính xác rất cao, như dung sai profile chỉ trong phạm vi 0,2mm, dung sai hình học như độ đồng tâm, độ đảo mặt đầu đều không vượt quá 1%. Những yêu cầu đẳng cấp thế giới ấy đòi hỏi việc gia công phải được thực hiện trên hệ thống máy móc có độ chính xác lên tới 5/1000m. “Lo lắng, nhưng không hề nao núng”, anh Bình tập hợp đội ngũ tìm phương án ứng phó.

Quy trình 5 công đoạn được vạch ra rõ ràng: thiết kế dụng cụ cắt, xây dựng quy trình công nghệ, mô phỏng gia công trên phần mềm NX-CAM, chế tạo sản phẩm ở trung tâm gia công công nghệ cao và cuối cùng là kiểm tra sai số hình dáng, kích thước. Việc chia nhỏ các công đoạn giúp các khó khăn được nhận diện chi tiết hơn và cũng nhờ đó, tìm ra giải pháp nhanh hơn.

Khó khăn đầu tiên là vật liệu. Theo yêu cầu của VTX và Ban lãnh đạo Tập đoàn, vật liệu sử dụng làm chi tiết compressor phải là nhôm nguyên khối nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, vì đang trong giai đoạn thử nghiệm chế tạo, M3 quyết định đặt mua thêm 2 khối nhôm công nghiệp nội địa có kích thước tương tự nhưng giá thành chỉ bằng khoảng 1/2 vật liệu ngoại nhập để tiến hành chế tạo. Sau khi nắm vững quy trình công nghệ, M3 mới thử nghiệm trên vật liệu ngoại nhập.

DSC01875.jpg

Song song, anh Bình và đồng nghiệp tìm kiếm các tư liệu trong và ngoài nước, tham khảo tư vấn của chuyên gia Mỹ để xây dựng phương án gia công. Anh Lê Trung Hải, nhân viên phòng Kỹ thuật M3, được giao nhiệm vụ gia công tiện công nghệ cao bao gồm cắt gọt vật liệu theo đúng kiểu dáng và kích thước và cắt gọt các chi tiết bên trong theo đúng thiết kế 3D. Khó khăn lớn nhất bấy giờ là tuy máy móc nhà xưởng có đủ, nhưng các dụng cụ gia công chi tiết như dao cụ cơ khí, đồ gá tiêu chuẩn… dành riêng cho sản phẩm này lại không sẵn. Để khắc phục, cả nhóm phải lên phương án gia công dụng cụ trước khi gia công vật liệu.

“Ban đầu, tôi định tự chế tạo dao cụ bằng thép gió nhưng không thành. Tay cầm bị rung, ảnh hưởng đến độ chính xác gia công. Sau đó, nhờ chuyên gia tư vấn và tham khảo thêm tài liệu, ý kiến của anh em kỹ thuật, tôi mất gần 1 tuần mới gia công xong dao cụ”, anh Hải kể lại. Sau đó, mặc dù đã có dụng cụ tiêu chuẩn, nhưng nhóm vẫn phải sửa chữa và chế tạo thêm 10 dao cụ để phục vụ cho công việc.

Đến bước gia công, nhóm lại vừa làm vừa tìm hướng khi lỗ trục chi tiết compressor có độ sâu khoảng 200mm, hệ thống rãnh, hốc bên trong phức tạp. Anh Hải bộc bạch: “Cái khó lúc đó là dụng cụ đo và phương pháp đo kiểm hạn chế. Chúng tôi phải gia công từng khúc của lỗ trục. Phần nào chưa đo đạc được thì phải thi công theo biên dạng của bản vẽ 3D, sau lại quét 3D lại để đối chiếu về mặt kích thước”.

Tham gia công tác gia công phay cánh compressor, anh Dương Ngọc Anh, nhân viên phòng kỹ thuật chia sẻ thêm: “Trước giờ tôi mới gia công phay 1 tầng cánh, kích thước cánh giống nhau. Nhưng trong dự án này, tôi phải gia công phay 5 tầng cánh với kích thước và độ so le cánh mỗi tầng khác nhau. Vừa làm tôi vừa phải tìm cách tối ưu phương pháp và tốc độ gia công cho phù hợp với từng vị trí. Đó là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì, không được nóng vội”.

Cứ như vậy, các thách thức nối tiếp nhau được giải quyết. Hơn 2 tháng nghiên cứu chế tạo chi tiết compressor là những ngày ròng rã anh Bình và nhóm bám xưởng, bám máy để hoàn thiện các phương án gia công. Có những thời điểm các anh phải làm việc hơn 20 tiếng/ngày để kịp tiến độ. Anh Bình chia sẻ: “Nhiều đêm về nhà, chúng tôi trằn trọc mãi không ngủ được vì phương án gia công bị tắc. Chỉ mong đêm chóng qua để sáng đến xưởng cùng thảo luận với anh em. Cũng may trong hoàn cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi có hậu phương gia đình vững chãi làm chỗ dựa để yên tâm hoàn thành nhiệm vụ”.

Và điều gì đến đã đến, những nỗ lực của các kỹ sư công nghệ cao M3 đã được đền đáp. Hơn 2 tháng nhận nhiệm vụ, trải qua 2 sản phẩm chế thử trên vật liệu nhôm công nghiệp trong nước, M3 cơ bản làm chủ công nghệ gia công sản phẩm compressor 5 tầng nén đường kính ngoài 320mm. Đồng thời, M3 cũng chế tạo thành công trên vật liệu nhôm nguyên khối ngoại nhập. Cũng với sản phẩm này, các nước phát triển như Brazil, Ấn Độ… phải mất 6 tháng mới thực hiện xong sản phẩm mẫu.

Với kinh nghiệm chế tạo các sản phẩm phức tạp, độ khó cao, M3 đã khẳng định được năng lực gia công các sản phẩm cơ khí chính xác. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển sản phẩm Nguyễn Trung Thiên khẳng định: “Trong thời gian tới, M3 tiếp tục nghiên cứu và chế tạo thử nghiệm các chi tiết khác như Trục trước, Trục sau, Turbin rotor… bằng các hợp kim chịu nhiệt như inconel, titanium. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VTX để tích hợp thử nghiệm và hoàn thành sản phẩm trong tương lai gần”.

Chiếc máy thở "made in Vietnam" và danh dự của người M3

“Đưa M3 trở thành đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sáng chế ra máy thở, giúp đất nước chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, để nhiều bệnh nhân được cứu sống hơn”, đứng trước nhiệm vụ đầy ý nghĩa, 7 thành viên của nhóm nghiên cứu chế tạo máy thở M3 đã tạo ra một cuộc chạy đua với thời gian. Họ đã cán đích chỉ sau 3 tháng.
Đọc thêm

Đường tới vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu và triết lý trưởng thành qua thách thức và thất bại

Sau khi Công ty Thông tin M3 chính thức trở thành đối tác cung ứng vật tư, linh kiện và thiết bị cho Meggitt, tập đoàn hàng không vũ trụ hàng đầu của Anh năm 2021, những lô hàng sản phẩm đầu tiên đã được chuyển đi. M3 trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành HKVT toàn cầu. Thành công ấy không tự nhiên mà đến. Con đường đến vị trí trong chuỗi cung cứng toàn cầu của M3 chứa đựng khá nhiều câu chuyện hậu trường bây giờ mới kể.
Đọc thêm

Vững bước ra thế giới với tiêu chuẩn hàng không vũ trụ

AS9100D là một tiêu chuẩn quốc tế, quy định các yêu cầu đối với các tổ chức hàng không, vũ trụ và quốc phòng; cung cấp các sản phẩm an toàn và đáng tin cậy cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, đáp ứng nhu cầu và yêu cầu của tất cả các công ty hàng không trên toàn thế giới. Với chiến lược tham gia vào chuỗi cung ứng ngành hàng không vũ trụ toàn cầu, lãnh đạo Công ty Thông tin M3 đề ra mục tiêu phải đạt được tiêu chuẩn này, từ quy định về nguồn vật tư đầu vào, năng lực sản xuất và hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra, làm cơ sở cho sự phát triển của đơn vị.
Đọc thêm