Lời Ban biên tập

Kính gửi Quý bạn đọc !

Năm 2010, khi Viettel nhận nhiệm vụ sản xuất ra-đa cảnh giới vùng trời, có rất ít người tin chuyện một doanh nghiệp viễn thông sẽ làm nên chuyện trong một lĩnh vực mà năng lực của Việt Nam gần như không đáng kể.

Trong nước, hầu hết các đơn vị quân đội mới chỉ có khả năng nghiên cứu, cải tiến một số loại ra-đa thế hệ cũ. Trên thế giới, cũng mới chỉ có 8 quốc gia với các tổ hợp công nghiệp quốc phòng lớn mới có năng lực thực hiện công việc này.

Vượt qua nhiều thách thức, năm 2014 sản phẩm ra-đa hoàn chỉnh đầu tiên do Viettel sản xuất và làm chủ đã được Bộ Quốc phòng nghiệm thu và đưa vào sản xuất hàng loạt. Thành tựu nối tiếp thành tựu. Viettel liên tục vượt lên với dấu mốc mới như xuất khẩu ra-đa “Made by Viettel” (2017), sản xuất thành công radar cảnh giới biển đáp ứng tiêu chuẩn của các quốc gia tiên tiến (2018)…

Hệ thống ra-đa chỉ là một trong số nhiều trang thiết bị, sản phẩm quốc phòng công nghệ cao được Viettel phát triển thành công trong giai đoạn tìm "đường ra biển lớn". Sau hơn 10 năm mở rộng hoạt động nghiên cứu, sản xuất công nghiệp công nghệ cao (CNCNC), lĩnh vực này giờ đây trở thành một trụ cột phát triển của Tập đoàn Viettel với nguồn doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Tại Đại hội Đảng bộ Tập đoàn lần thứ X (2020), Đảng uỷ Tập đoàn Viettel xác định rõ mục tiêu trở thành hạt nhân của Tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao của Việt Nam. Chiến lược của Viettel là phát triển đồng đều cả quân sự - dân sự - viễn thông với phương châm làm chủ sở hữu công nghệ lõi, có đầy đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Lịch sử cho thấy, khoa học - công nghệ luôn là nhân tố quyết định làm thay đổi sự cân bằng sức mạnh giữa các quốc gia cũng như các lực lượng trên toàn cầu. Nếu một quốc gia chỉ biết mua sản phẩm, thiết bị của nước khác hoặc chỉ lắp ráp, gia công quốc gia ấy sẽ không bao giờ có được nền công nghệ cao hiện đại. Đáng lo ngại hơn là tình trạng phụ thuộc vào công nghệ bên ngoài để tổn tại và phát triển đồng thời lại bị ràng buộc bằng những điều kiện bất lợi.

Nhận thức đó là động lực để Viettel nỗ lực nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều sản phẩm công nghệ quân sự và dân sự “Make in Vietnam”; làm chủ nhiều công nghệ lõi quan trọng với 51 bằng bảo hộ sáng chế, trong đó 9 bằng bảo hộ do Hoa Kỳ cấp. Các sản phẩm của Viettel đều có tính năng tương đương các sản phẩm CNCNC cao trên thế giới, đạt trình độ sản xuất theo chuẩn quốc tế.

Tạp chí Viettel Family số tháng 3-4/2022 xin trân trọng giới thiệu cùng Quý bạn đọc về hành trình xây dựng, trưởng thành của Viettel trong lĩnh vực CNCNC với sứ mệnh tiên phong, chủ lực trong cuộc CMCN 4.0 và trách nhiệm của một Tập đoàn hàng đầu đối sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trân trọng,

BAN BIÊN TẬP

Nòng cốt xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao: Khát vọng của Viettel và yêu cầu của đất nước

Sơn Đỗ

“Duy trì vai trò dẫn dắt trong phát triển công nghiệp công nghệ cao vừa là khát vọng, nhu cầu nội tại của Viettel vừa là yêu cầu của đất nước với Viettel” - Đây là khẳng định của Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Tào Đức Thắng trong cuộc trao đổi về những chiến lược của Viettel trong lĩnh vực này.

Thưa ông, nhận sứ mệnh chèo lái Viettel khi Tập đoàn vừa tuyên bố sẽ là nòng cốt xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng (CNQP) công nghệ cao (bên cạnh sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số), thời điểm này, quyết tâm của lãnh đạo Viettel như thế nào đối với lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao?

Tổ hợp CNQP đóng vai trò rất quan trọng, dẫn dắt trong hệ thống đổi mới sáng tạo tại các cường quốc trên thế giới. Ở Việt Nam, quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua về phát triển CNQP là tự chủ, tự cường, hiện đại, theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành bộ phận quan trọng và mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

Một trong những quan điểm chỉ đạo của Đảng được Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 chỉ rõ là thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững. Trở thành tổ hợp CNQP công nghệ cao là khát vọng của Viettel và cũng là con đường Viettel chắc chắn phải đi. Có ba lý do để khẳng định điều này.

Thứ nhất là Viettel thấy rằng, chỉ có tự chủ được thiết bị công nghệ cao cho cả quân sự, dân sự thì mới có thể đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và không bị phụ thuộc.

Bai 2-2.png

Nhìn ra các quốc gia xung quanh có thể thấy để đạt được mục tiêu tự chủ về công nghệ, hướng tới những mục tiêu lâu dài, các nước đã và đang có những bước đi hết sức bài bản, tập trung dành ưu tiên cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D). Chúng ta sẽ không có nền công nghiệp công nghệ cao hiện đại nếu chúng ta vẫn tiếp tục đi mua sản phẩm, thiết bị của quốc gia khác.

Thứ hai là, tiên phong, dẫn dắt luôn là yêu cầu được Viettel đặt ra trong quá trình phát triển của mình. Điều đó giúp Viettel thực hiện được những mục tiêu đột phá.

Thứ ba là, môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Viettel bắt buộc phải chuyển dịch, thay đổi từ lấy viễn thông làm chủ đạo trở thành tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những mục tiêu cụ thể mà Viettel sẽ triển khai để hiện thực hóa khát vọng của mình?

Đối với lĩnh vực CNQP công nghệ cao, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng nghiên cứu sản xuất các loại khí tài thông minh hơn, chính xác hơn, tin cậy hơn theo mô hình C5ISR (Command, Control, Communication, Computer, Cyber, Intelligence, Surveillance, Reconnaissance). Đây là mô hình tác chiến hiện đại được áp dụng ở nhiều nước có nền khoa học quân sự tiên tiến trên thế giới. Viettel tập trung vào các thiết bị thu thập thông tin, truyền nhận thông tin, xử lý thông tin…

Trong lĩnh vực công nghiệp điện tử viễn thông, Viettel mong muốn làm chủ các thiết bị hạ tầng của mạng 5G và triển khai diện rộng trên mạng lưới và tiến tới xuất khẩu, hoàn thiện và đưa vào ứng dụng các sản phẩm chipset 5G cho thiết bị hạ tầng mạng 5G… Bên cạnh đó, Viettel xây dựng nền tảng kết nối vạn vật (IoT - Internet of Things) và phát triển các chuẩn kết nối thiết bị IoT tạo ra hệ sinh thái IoT của người Việt, đảm bảo an toàn an ninh thông tin cho người dân và quốc gia, tiếp tục phát triển các thiết bị trong hệ sinh thái sản phẩm IoT cho hộ gia đình, y tế, giáo dục, giao thông, nhà máy thông minh. Viettel cũng nghiên cứu các công nghệ năng lượng xanh tập trung vào công nghệ lưu trữ năng lượng và công nghệ quản lý sử dụng năng lượng đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế tối đa phát thải vào môi trường.

Có thể thấy mục tiêu Viettel đặt ra là rất lớn đối với lĩnh vực nghiên cứu sản xuất công nghiệp công nghệ cao, điều gì khiến cho Viettel có thể tự tin đến như vậy?

Để xác định trở thành nòng cốt xây dựng tổ hợp CNQP công nghệ cao, không phải vì Viettel mới có ý tưởng ngày một, ngày hai, mà chúng tôi đã có sự chuẩn bị từ hơn 10 năm trước. Từ những bước đi đầu tiên, đến nay, doanh thu từ nghiên cứu sản xuất đang dần chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng đoanh thu của Viettel. Chúng tôi đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều sản phẩm công nghệ quân sự và dân sự “Make in Vietnam”, làm chủ nhiều công nghệ lõi quan trọng, sở hữu nhiều bằng sáng chế ở cả những thị trường khó tính nhất. Viettel đã làm chủ công nghệ, nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều sản phẩm cả dân sự và quân sự, có tính năng tương đương hoặc ưu việt hơn với các sản phẩm cùng loại của các nước phát triển.

10 năm là quãng thời gian chưa dài, nhưng rõ ràng Viettel đã có những bước tiến xa trên hành trình nghiên cứu sản xuất công nghệ cao. Điều gì khiến Viettel nhanh chóng đạt được những thành tựu như vậy, thưa ông?

Tư tưởng và cách làm của Viettel đối với lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao chính là phải làm chủ từ gốc của quá trình nghiên cứu, phát triển, tự nghiên cứu, làm chủ tối đa công nghệ lõi như chipset, bán dẫn, phần mềm… chứ không đi theo con đường gia công, lắp ráp, sản xuất theo license của nước ngoài. Chỉ khi làm chủ sản phẩm thì mới chủ động đảm bảo kỹ thuật, thay đổi tính năng phù hợp, xây dựng được nguồn nhân lực có trình độ, tích lũy kinh nghiệm trong nghiên cứu.

Chính vì vậy, chúng tôi xác định đối với từng việc, ví dụ, về thiết kế, phải làm chủ thiết kế hệ thống và sở hữu thiết kế. Hay như về sản phẩm, chúng tôi chia hệ thống thành các sub-systems, xác định phần nào làm được ngay, phần nào cần đi mua thì có lộ trình làm chủ sản xuất tại Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, Viettel xác định sức mạnh ban đầu ở phần mềm - là lõi của sản phẩm và thế mạnh của Việt Nam, tiến tới làm chủ phần cứng và đặc biệt là chipset. Với một số lĩnh vực quan trọng khác như vật liệu mới... có thể theo hướng hợp tác.

Đặc biệt, về lưỡng dụng, kết hợp Quân sự, Dân sự, Viettel tối ưu bằng cách những công nghệ, kỹ thuật mới nhất, hiện đại nhất sau khi được triển khai cho Quốc phòng sẽ được ứng dụng cho dân sự, tạo ra những sản phẩm có tính dẫn dắt thị trường, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Giải pháp lưỡng dụng này vừa góp phần nâng cao tiềm lực quốc phòng, quốc gia vừa giúp phát triển kinh tế đất nước.

Ông vừa nhắc đến khái niệm lưỡng dụng, chúng ta có thể hiểu ý nghĩa việc này như thế nào?

Viettel cho rằng phần lớn các sản phẩm CNQP công nghệ cao có thể sử dụng trong dân sinh như UAV, vệ tinh viễn thám, hệ thống mô hình mô phỏng… Trong những năm tới đây, Quỹ phát triển Khoa học Công nghệ của Viettel sẽ đầu tư phần lớn kinh phí để phát triển các công nghệ quốc phòng nền tảng và các sản phẩm công nghệ dân sinh sẽ được phát triển trên các công nghệ quốc phòng nền tảng đó. Và ngược lại, nhiều công nghệ ứng dụng cho lĩnh vực dân sinh cũng sẽ được Viettel nghiên cứu đưa vào các trang thiết bị phục vụ quốc phòng. Khả năng lưỡng dụng là cực kỳ quan trọng, đem lại giá trị gia tăng và sức mạnh cạnh tranh lớn. Tuy vậy, để phát huy lợi thế của công nghệ lưỡng dụng lại là vấn đề khó. Có những quốc gia có tiềm lực CNQP và công nghệ quân sự hùng mạnh nhưng chưa chắc đã phát triển được các sản phẩm dân sự có chất lượng và trình độ công nghệ cao.

Đây có phải là những thách thức mà Viettel đang phải đối mặt không, thưa ông?

Tôi cho rằng, cơ hội luôn nhiều hơn thách thức, giải pháp luôn nhiều hơn khó khăn. Tư duy của Viettel là đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá. Cách của Viettel chuyển dịch từ quân sự sang nghiên cứu sản phẩm lưỡng dụng được bắt đầu ở một số lĩnh vực mà Viettel có thế mạnh như: hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống quang điện tử và mô phỏng.

Viettel đã cơ bản làm chủ hoàn toàn công nghệ hạ tầng mạng lõi viễn thông như: Tổng đài chuyển mạch, hệ thống nhắn tin, hệ thống tính cước thời gian thực, hệ thống IMS, các thiết bị truyền dẫn 10Gbps và 100Gbps... thử nghiệm thành công mạng 5G, một số nền tảng, giải pháp mới cho dân sự như IoT Platform, AI Camera, bộ điều khiển ắc-quy lithium, nguồn thông minh. Từ đó, Viettel bước đầu hình thành các hệ sinh thái, các nền tảng dùng chung lai ghép giữa quân sự và dân sự áp dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ 4.0.

Định hướng của Viettel thời gian tới nhanh chóng phát triển làm chủ cả về phần cứng, phần mềm các hệ sinh thái số quan trọng của xã hội. Đây được coi là một trong những điểm then chốt quyết định tiến độ của sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số của Viettel.

Câu chuyện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng xã hội số phải được phát triển từ nền tảng hạ tầng số. Việc Viettel nghiên cứu và thử nghiệm thiết bị mạng 5G có phải để thúc đẩy các dịch vụ số của Viettel?

Đích đến của Viettel không chỉ là hạ tầng viễn thông mà là một hạ tầng hiện đại, thông minh phục vụ đất nước. Hạ tầng viễn thông chỉ là những bước khởi đầu, là hạ tầng chuyển đổi số quốc gia.

Và điều lớn hơn cả đó chính là sự tự chủ của quốc gia về công nghệ, sự đảm bảo an ninh mạng, an ninh thông tin của quốc gia, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh. Trọng trách này đòi hỏi nỗ lực rất lớn của Viettel.

Vậy là 5G không chỉ có vai trò rất lớn trong cuộc sống dân sinh mà còn có tác động lớn đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh, có phải như vậy không, thưa ông?

Câu chuyện Viettel phát triển nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G cần được nhìn nhận trên hai góc độ. Thứ nhất, trên khía cạnh kinh doanh, nhiều nghiên cứu khác nhau đều cho thấy xu hướng phát triển mạnh của thị trường 5G cho quốc phòng toàn cầu. Có đánh giá cho rằng thị trường này sẽ đạt giá trị gần 9 tỷ USD trong 5 năm tới với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 48,50% trong giai đoạn 2022 - 2027.

Chúng ta đã biết 5G được ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Trong lĩnh vực quốc phòng, 5G sẽ giúp nâng cao chất lượng các hệ thống trinh sát, tình báo và giám sát và xử lý, các hệ thống hậu cần để tăng hiệu quả và cho phép các phương pháp kiểm soát và chỉ huy mới.

Bên cạnh đó xu hướng áp dụng rộng rãi các trang bị kĩ thuật, robot tự động trong lĩnh vực quốc phòng là một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng thị trường. Việc sử dụng các công nghệ hiện đại như IoT, cho phép kết nối nhiều thiết bị ở tốc độ cao cũng là những yếu tố đang thúc đẩy đà tăng trưởng của 5G.

Đó là các yếu tố cho thấy thị trường 5G trong lĩnh vực hạ tầng có nhiều triển vọng tích cực. Thứ hai, trên khía cạnh phát triển công nghệ cao, bảo đảm các loại trang bị kỹ thuật là yêu cầu tối quan trọng trong xây dựng lực lượng quân đội của bất cứ quốc gia nào. Các nước trên thế giới đều có xu hướng phát triển CNQP hiện đại, bảo đảm cho lực lượng vũ trang có trang bị kỹ thuật hiện đại, có sức mạnh chiến đấu cao nhằm ứng phó hiệu quả với chiến tranh công nghệ cao.

Những điều mà ông vừa chia sẻ cho thấy dường như Viettel đang xác lập vị thế của mình với vai trò dẫn dắt, thúc đẩy trong lĩnh vực công nghệ cao như đã làm với lĩnh vực viễn thông?

Chúng tôi xác định sứ mệnh của mình là tiên phong, chủ lực trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Xây dựng nền kinh tế số, kiến tạo xã hội số ở Việt Nam là một cam kết của Viettel với Chính phủ và khách hàng. Cũng như vậy, việc Viettel duy trì vai trò dẫn dắt trong phát triển công nghiệp công nghệ cao vừa là khát vọng, nhu cầu nội tại của Viettel vừa là yêu cầu của đất nước đối với Viettel.

Xin cảm ơn ông!

Dùng bản sắc riêng để song hành công nghệ quốc phòng thế giới

Đứng trong Top 80 doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng trên toàn thế giới năm 2030 – đó là tầm nhìn mà Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã giao cho Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT). Để sớm chạm tay vào mục tiêu ấy, Thượng tá Nguyễn Vũ Hà, Tổng Giám đốc VHT, khẳng định, là người đi sau, VHT đã tìm ra những nét đặc sắc của riêng mình để vượt lên.
Đọc thêm

12 năm và 5 thế hệ máy thông tin quân sự

Năm 2011 kỹ sư Dương Đức Thanh và các đồng sự của Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) bước vào quá trình nghiên cứu sản xuất Máy thông tin quân sự (TTQS) mặc dù chưa biết sẽ phải đi theo con đường nào. Thiết bị trong nước thì đã lạc hậu, công nghệ chế tạo của nước ngoài vốn là bí mật quân sự không thể tiếp cận. Lựa chọn duy nhất của VHT lúc đó là …“dò đá qua sông”.
Đọc thêm

Chinh phục "nắm đấm vô hình" trong quân sự hiện đại

“Khi bắt đầu nghiên cứu sản xuất thiết bị tác chiến điện tử, chúng tôi biết lĩnh vực này tại nước ta đang đi chậm so với thế giới 50 năm. Vậy có áp lực không? Có chứ, nhưng đồng thời đó cũng là cơ hội để chúng tôi đi tắt đón đầu, đi thẳng vào các xu hướng công nghệ cao tiên tiến nhất mà thế giới đang áp dụng”, ông Dương Minh Tùng chia sẻ về điểm khởi đầu của hành trình mà Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) đã đi, từ lúc đặt chân vào nghiên cứu năm 2015 đến khi hoàn toàn tự tin làm chủ khí tài Tác chiến điện tử Make in Vietnam như hiện nay.
Đọc thêm

Hành trình ghi tên Việt Nam lên bản đồ quân sự thế giới

Ra-đa được ví như “mắt thần canh giữ của Tổ quốc”. Số quốc gia làm chủ được công nghệ chế tạo ra-đa trên thế giới rất hiếm hoi, bởi đây là lĩnh vực vô cùng phức tạp. Chính vì vậy, ít ai tin rằng, Việt Nam – một nước cách đây chưa lâu vẫn thuần túy nhập khẩu công nghệ, lại có thể chế tạo được loại khí tài này. Thậm chí, một doanh nghiệp trong nước còn cho ra đời các thế hệ ra-đa hiện đại, có tính năng kỹ-chiến thuật đáng nể, không thua kém so với sản phẩm nhập từ các cường quốc quân sự hàng đầu, góp phần hiện đại hoá nền quốc phòng đất nước. Doanh nghiệp ấy là Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel – VHT.
Đọc thêm

Rạng danh "mắt thần" Made in Vietnam

Hương Nguyễn

Bên cạnh bằng sáng chế quốc tế được Cơ quan Quản lý Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ chứng nhận, năm đầu tiên của thập kỷ mới chứng kiến Trung tâm Ra-đa, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) có thêm một bước tiến đặc biệt, đưa thương hiệu Viettel/VHT lên một tầm cao mới với một Công trình đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh 2021.

BÀI TOÁN XÂY DỰNG “MẮT THẦN” BIỂN ĐÔNG

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương những năm qua chứng kiến nhiều thay đổi to lớn, mang tính bước ngoặt trong việc định hình cục diện mới. Trong bối cảnh đó, việc xác lập, nâng cao vị thế quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạch định chiến lược phát triển của đất nước. Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài 3.260 km, vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam chiếm diện tích khoảng 1.000.000 km2 với nguồn lợi hải sản và trữ lượng hải sản được đánh giá là rất lớn. Bên cạnh đó, Biển Đông là khu vực có mật độ giao thông lớn thứ 2 thế giới với nhiều loại tàu thuyền qua lại mỗi ngày, là yết hầu giao thương hàng hóa của nhiều nước Châu Á. Theo thống kê của Cơ quan năng lượng Mỹ, lượng dầu thô và khí hóa lỏng được vận chuyển qua Biển Đông lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, Biển Đông trở thành khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc với các diễn biến phức tạp, đứng trước nhiều thách thức và nguy cơ lớn.

Được coi là “Mắt thần” trên biển, việc đảm bảo trang thiết bị, chủ động tăng cường phạm vi cảnh giới, hiện diện quân sự và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển cũng như giám sát, quản lý các tàu dân sinh, tàu thương mại hoạt động thông qua hệ thống khí tài ra-đa hiện đại là yêu cầu cấp thiết.

Tuy nhiên, tính đến năm 2015 hầu hết các đài ra-đa cảnh giới biển được trang bị cho Quân đội Nhân dân Việt Nam là các loại đài ra-đa thế hệ cũ, công nghệ của những năm 1960.

3-Thời gian làm việc của các kỹ sư Radar tại địa điểm nghiệm thu kéo dài trong 3-4 tháng liên tiếp với tần suất làm việc lên đến 12-14 tiếngngày từ thứ 2 đến thứ 7.JPG

Các ra-đa này có khả năng quan sát hạn chế, không có khả năng chống tác chiến điện tử, xuất xứ từ nhiều nước với nhiều chủng loại, gây khó khăn cho công tác đảm bảo kỹ thuật, huấn luyện và khai thác sử dụng. Hiện tại, chỉ có loại đài ra-đa Score-3000, với số lượng trang bị hạn chế của Pháp là dòng ra-đa cảnh giới biển hiện đại, chủ lực đang được Quân đội Nhân dân Việt Nam vận hành, khai thác. Mặc dù các đài ra-đa Score-3000 cơ bản đáp ứng được yêu cầu chiến - kỹ thuật, nhưng trong quá trình khai thác, sử dụng, thực hiện nhiệm vụ thực tế phát sinh các khó khăn trong yêu cầu tác chiến. Số lượng các đài hiện có chỉ đáp ứng 20% nhu cầu sử dụng của quân đội.

Bên cạnh đó, giá thành thiết bị cao cùng công tác đảm bảo, bảo dưỡng kỹ thuật chưa đảm bảo tính bí mật quân sự quốc gia. Thời gian khắc phục sự cố, đặt hàng mô-đun phục vụ bảo hành kéo dài cũng gây ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của khí tài. Ra-đa là sản phẩm quân sự thực hiện nhiệm vụ cảnh giới vùng trời, vùng biển Quốc gia nên các nước trên thế giới bảo mật rất cao. Vì vậy, ngay từ ngày đầu thành lập, Trung tâm Ra-đa (VHT) xác định chỉ có một con đường là chủ động, tự lực nghiên cứu. Đó là giải pháp duy nhất để Trung tâm giải quyết các vấn đề then chốt và sáng tạo nhiều công nghệ mới, độc quyền để áp dụng vào Công trình Ra-đa cảnh giới biển tầm trung như: Công nghệ ăng-ten mặt phản xạ băng X giúp tăng khả năng quan sát và phân biệt mục tiêu; Công nghệ thiết kế bộ thu phát cao tần băng X, băng thông tức thời tới 45MHz giúp tăng độ phân giải mục tiêu đến 3m; Công nghệ phát hiện mục tiêu mặt nước trong môi trường nhiễu sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo); Công nghệ khởi tạo và bám sát tự động mục tiêu mặt nước trong nhiễu thụ động; Công nghệ tự động nhận diện mục tiêu; Công nghệ phát hiện mục tiêu di chuyển bất thường… Do đó, có thể đánh giá công trình này có nhiều sự khác biệt so với các ra-đa cùng loại trên thế giới (ELM2226/Isarel, Score-3000/Pháp, Scanter 5000/Đan Mạch).

RẠNG DANH RA-ĐA VIỆT NAM SÁNH TẦM THẾ GIỚI

Kiểm chứng thực tế từ năm 2018 tới nay cho thấy, đài ra-đa cảnh giới biển tầm trung hoạt động tốt, có tính năng chiến - kỹ thuật hiện đại, đảm bảo đưa vào trang bị cho đường bờ biển Việt Nam, giúp phủ kín trường quan sát, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển. Công trình làm chủ hoàn toàn về mặt công nghệ và tối đa nội địa hóa trong sản xuất nên giá thành chế tạo thấp hơn các sản phẩm có tính năng tương đương của nước ngoài. Việc triển khai loạt đài ra-đa cảnh giới biển tầm trung sẽ thay thế các đài ra-đa đã cũ, giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng so với nhập khẩu toàn bộ từ nước ngoài.

Ngoài ra, việc làm chủ nền tảng này giúp Quân đội Việt Nam tự chủ trang bị để có thể sản xuất các dòng ra-đa biển khác nhau, góp phần đưa lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại, khẳng định vị thế khoa học (lĩnh vực công nghiệp quốc phòng) trong khu vực và trên thế giới. Theo báo cáo Tổng quan lực lượng Quân sự thế giới 2020 của Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế (IISS, Vương quốc Anh), Viettel là một trong những doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị quốc phòng mới và tiêu biểu của khu vực châu Á, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào phát triển các sản phẩm quân sự, trong đó có ra-đa.

Đến nay, các sản phẩm ra-đa do VHT nghiên cứu phát triển đã đạt được những thành tựu mới, với đa dạng chủng loại ra-đa 2D, 3D thuộc các thế hệ thứ 2, 3, 4, nhằm thực hiện các nhiệm vụ cảnh giới, phát hiện các mục tiêu phục vụ nhiệm vụ chiến đấu của Quân chủng Phòng không Không quân và Quân chủng Hải quân. Sản phẩm ra-đa của VHT được áp dụng các công nghệ mới nhất trên thế giới hiện nay như: công nghệ số hóa trực tiếp cao tần; công nghệ ăng-ten mảng pha quét búp sóng điện tử chủ động; công nghệ thu phát và xử lý tín hiệu điều tần tuyến tính liên tục; ứng dụng AI trong bài toán xử lý, hiển thị mục tiêu và nhiễu… Đó là quả ngọt được kết trái từ những nỗ lực và trí tuệ của đội ngũ nghiên cứu phát triển ra-đa của VHT.

Những ngày nghiệm thu không quên

Với Trung tâm Quang điện tử, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT), “ngày nghiệm thu” là một sự kiện đặc biệt. Đó là mốc đánh dấu cho quãng thời gian dài mà các kĩ sư VHT đã nỗ lực hết mình hoàn thiện những sản phẩm được coi là “Giác quan thứ 6” của người chiến sĩ, phục vụ bổ sung, nâng cao năng lực chiến đấu cho Quân đội.
Đọc thêm

VQ Make by Viettel: Ôm trọn vùng trời quốc gia

Tổ hợp khí tài chỉ huy điều khiển được xem như bộ não của các loại khí tài. Hệ thống quản lý vùng trời là một trong những cấu phần quan trọng nhất của tổ hợp ấy. Việc các kỹ sư của Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) chế tạo thành công hệ thống quản lý vùng trời VQ không chỉ đánh dấu bước phát triển mới của công nghiệp quốc phòng mà còn tạo bước đột phá quan trọng trong quản lý, bảo vệ vùng trời quốc gia. Trước Việt Nam, chỉ có 8 quốc gia có nền công nghệ và tiềm lực kinh tế đủ khả năng nghiên cứu chế tạo thành công sản phẩm có tính năng tương tự.
Đọc thêm

Hành trình UAV Viettel chinh phục bầu trời

Để hiện thực mục tiêu đưa ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam hùng mạnh hơn, Viettel đã quyết định “tiến công” vào lĩnh vực rất khó, đó là tự nghiên cứu sản xuất, làm chủ các thiết bị quân sự công nghệ cao. Những năm qua, với đại diện là Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT), chúng ta đã tiến hành nhiều dự án sản xuất khí tài quân sự quan trọng và đạt được những thành công như: hệ thống ra-đa cảnh giới phòng không và cảnh giới biển, hệ thống cảnh giới vùng trời VQ1-M, máy bay không người lái (UAV) và cả những vũ khí phòng không công nghệ cao rất tối tân khác. Trong đó, UAV của VHT với nhiều tính năng nổi trội đã đồng hành cùng người lính bảo vệ vững chắc chủ quyền và lãnh thổ Tổ quốc.
Đọc thêm

Dấu ấn VHT tại Hội thao quân sự quốc tế Army Games 2021

Tham gia Hội thao Quân sự quốc tế Army Games 2021 tổ chức tại Việt Nam, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) mang tới gần 100 sản phẩm, trang thiết bị hiện đại nhất thuộc 7 lĩnh vực. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc khẳng định năng lực nghiên cứu, phát triển và sản xuất vũ khí, khí tài quân sự của Việt Nam nói chung và của Viettel nói riêng.
Đọc thêm

Mô hình mô phỏng và bước trưởng thành từ số 0

Nguyễn My

Những năm gần đây, sự xuất hiện thường xuyên của lá cờ Việt Nam trên bục trao giải khiến Army Games – Hội thao quân sự quốc tế thường niên do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức – trở thành một sự kiện được khán giả từ Việt Nam chờ đợi. Trong số đó, tấm Huy chương vàng nội dung Xe tăng hành tiến năm 2020 sẽ còn được nhắc đến như minh chứng cho tinh thần Việt Nam cũng như tính hiệu quả của quá trình huấn luyện, đào tạo ra những chiến sỹ tinh nhuệ ở Binh chủng Tăng thiết giáp. Góp phần trong đó là những mô hình mô phỏng Make in Vietnam, Made by Viettel.

Chia sẻ về những khoảnh khắc đáng nhớ trước khi nhận tấm huy chương vàng tại Army Games 2020, Thượng úy Phan Anh Tuấn, Đại đội 50, Tiểu đoàn 4, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tăng thiết giáp, kể: “Ở thời điểm chuẩn bị bắn pháo 125mm trong hành tiến, trong tiếng hò reo cổ vũ của khán giả, tôi đã bình tĩnh hạ 2/3 bia mô phỏng xe tăng. Ngay lập tức, đồng chí lái xe đã phối hợp điều khiển xe về đích với tốc độ thần tốc, có lúc đạt tới 72km/h, giúp chúng tôi hoàn thành phần thi trong thời gian ngắn nhất. Để rồi, khi nhìn lên bảng thông báo, thấy đội về thứ hai kém Việt Nam tới 10 phút 08 giây cả đội đã ôm nhau bật khóc vì sung sướng, hạnh phúc...”.

Cần biết rằng, ở Army Games 2020, do đại dịch Covid-19, thành viên đội tuyển xe tăng Việt Nam không thể xuất ngoại sớm để có thêm thời gian làm quen với thao trường, trang thiết bị thi đấu. Trong khi đó, Ban tổ chức lựa chọn xe thi đấu là loại xe tăng T-72B3 hiện đại. Ở trong nước, đội tuyển chỉ được huấn luyện trên thiết bị mô phỏng.

ĐÃ RA QUÂN LÀ ĐÁNH THẮNG, DÙ KIẾN THỨC ĐI TỪ SỐ 0

Năm 2016, Trung tâm Mô hình Mô phỏng, Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) được thành lập. Sản phẩm đầu tiên mà đơn vị này nghiên cứu là Hệ thống mô phỏng huấn luyện xe tăng T54B/T55, cũng là thực tế xuất phát từ nhu cầu tại Binh chủng Tăng thiết giáp. Khi đó, Binh chủng đang sử dụng hệ thống mô phỏng tăng mua từ Ukraine.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, mô hình này phát sinh một số vấn đề như: hoạt động không ổn định, thường xuyên cần sửa chữa; đồ hoạ chất lượng chưa tốt; nội dung bài tập huấn luyện theo giáo trình nước ngoài, không khớp với bài tập mà Binh chủng đang dạy; cơ cấu mô phỏng chuyển động chỉ là 3 bậc tự do… Binh chủng Tăng thiết giáp và VHT đã cùng xây dựng đề tài nghiên cứu, chế tạo Hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp chiến đấu xe tăng.

Lần đầu tiên tiếp cận với công nghệ mới, những kỹ thuật viên tại Trung tâm Mô hình Mô phỏng không tránh khỏi bỡ ngỡ khi đều là những “tay ngang”. Nhưng tình cờ, khi nhìn thấy khẩu hiệu của Binh chủng Tăng thiết giáp “Đã ra quân là đánh thắng”, các kỹ sư của VHT càng quyết tâm không để sản phẩm đầu tiên ra mắt thất bại.

Khối lượng kiến thức trước mắt mà họ cần học hỏi vô cùng nhiều. Nhưng nếu không bắt đầu, công nghệ Mô hình Mô phỏng mãi chỉ là con số 0.

2-Công nghệ mô phỏng chuyển động 6 bậc tự do của hệ thống này được các kỹ sư của TT Mô hình mô phỏng nghiên cứu và phát triển với rất nhiều tìm tòi, nỗ lực vượt lên trên những kiến thức vốn có.JPG

Công nghệ mô phỏng 6 bậc tự do của hệ thống được các kỹ sư VHT nghiên cứu và phát triển với rất nhiều tìm tòi, nỗ lực vượt lên trên những kiến thức đã có

Ông Cao Xuân Sáng, Trung tâm Mô hình Mô phỏng (VHT), nhớ lại: “Trong giai đoạn đầu, chúng tôi cần tìm hiểu và làm chủ công nghệ mô hình hóa tính toán mô phỏng thời gian thực chuyển động của xe tăng. Bản chất đây là mô hình động lực học, vì vậy phải lập phương trình. Phần bánh của xe tăng là bánh xích, do đó, khi lập phương trình chuyển động của xe với nhiều thành phần, phương trình vô cùng phức tạp. Chúng tôi giải quyết bằng cách xây dựng phương trình dựa trên nguyên lý cơ bản về động lực hệ nhiều vật, tức là VHT sẽ tách toàn bộ xe tăng thành các thành phần khác nhau cùng với các liên kết giữa các thành phần đó.

Sau khi có phương trình bao quát, chúng tôi tiếp tục hiệu chỉnh hệ số trong phương trình. Hệ số này liên quan đến động học, khối lượng hoặc mô-men để kết quả đầu ra phù hợp với từng loại xe tăng. Việc điều chỉnh hệ số vừa dựa một phần vào xe tăng, một phần có được thông qua đi thử nghiệm, điều chỉnh liên tục để có được mô hình động lực học khớp với kết quả đo đạc thực tế. Ngoài ra, chúng tôi cũng nghiên cứu cơ cấu mô phỏng chuyển động 6 bậc tự do từ nghiên cứu, xây dựng thuật toán về mô phỏng cảm giác không gian tác động lên hệ tiền đình của con người, xây dựng thuật toán động lực học thuận và ngược đến thiết kế hệ thống và điều khiển các động cơ.”

Đó chỉ là một trong số vô vàn con tính mà các kỹ sư Trung tâm Mô hình Mô phỏng phải đặt ra để giải quyết. Đến nay, với lợi thế là đơn vị trong nước có khả năng tự sản xuất, VHT đã nhanh chóng tuỳ biến sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Cụ thể, ngoài bài tập đã thiết lập sẵn trên hệ thống, Binh chủng Tăng thiết giáp yêu cầu thêm công cụ tự xây dựng bài tập. Đáp ứng mong muốn đó, VHT cũng đã thay đổi phần mềm và bổ sung nhiều tính năng khác.

Với những nỗ lực ứng dụng công nghệ mới vào sáng chế, Hệ thống mô phỏng huấn luyện xe tăng T54B/T55 của VHT được Binh chủng Tăng thiết giáp đánh giá mang nhiều ưu điểm hơn so với hệ thống mô phỏng tăng mua từ nước ngoài trước đó. Phần mềm hiện đại hơn, thiết kế đẹp hơn, cơ cấu chuyển động 6 bậc tự do mô phỏng tốt và mượt mà. Đáng chú ý, hệ thống hoàn toàn bám sát theo giáo trình huấn luyện của Binh chủng Tăng thiết giáp, đem lại hiệu quả cao trong quá trình huấn luyện. Tính đến nay, VHT đã bàn giao cho Binh chủng Tăng thiết giáp 06 tổ hợp gồm 18 hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp xe tăng T54B/T55.

NHỮNG CÁCH LÀM CHƯA CÓ TIỀN LỆ KHI THÔNG TIN CÓ ĐƯỢC LÀ SỐ 0

Vào thời điểm VHT nghiên cứu mô hình mô phỏng, đây vẫn là một lĩnh vực mới trong nước. Không có bất kỳ sản phẩm mô hình mô phỏng nào có sẵn tài liệu. Tương tự với mô hình mô phỏng xe tăng, cách tiếp cận của VHT để nghiên cứu thành công hệ thống mô phỏng huấn luyện chỉ huy bay và phi công Su-30MK2 cũng là cách làm chưa có tiền lệ.

Để dựng được mô phỏng máy bay, cách tiếp cận phổ biến là cần có dữ liệu từ nhà sản xuất máy bay nhằm xây dựng hệ thống mô phỏng. Tuy nhiên, khi VHT đề cập vấn đề này với nhà sản xuất tại Nga, câu trả lời chỉ là con số 0. Người Viettel đã xây dựng bộ dữ liệu máy bay SU-30MK2 của riêng mình bằng cách phối hợp với các chuyên gia của Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) khảo sát nghiên cứu trên mô hình máy bay thật, sau đó xây dựng mô hình số 3D (sử dụng máy scan 3D toàn bộ máy bay), tính toán khí động học trên mô hình số, phối hợp với các chuyên gia, cố vấn của Quân chủng, phi công và dữ liệu từ hộp đen để hiệu chỉnh tạo ra bộ dữ liệu cho máy bay Su-30MK2. Sau khi hoàn thiện, hệ thống mô phỏng huấn luyện chỉ huy bay và phi công Su-30MK2 được đánh giá có cấu hình và tính năng tương đương với sản phẩm Buồng tập lái máy bay SU-30MK2 của hãng Tranzas, hiện đang được Quân chủng PK-KQ khai thác sử dụng.

Theo Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hệ thống đã hoàn thành đầy đủ các nội dung theo bộ chỉ tiêu chiến kỹ thuật, hệ thống cơ bản đáp ứng yêu cầu huấn luyện cho phi công, kíp dẫn đường và kíp Chỉ huy bay SU-30MK2; đáp ứng yêu cầu huấn luyện kỹ thuật lái dẫn đường trong các điều kiện khí tượng từ giản đơn đến phức tạp và khi có bất trắc trên máy bay; các đài dẫn đường hoạt động tốt, chỉ đúng tham số chuẩn (cự ly, phương vị) trên buồng lái trong quá trình bay, bám sát chỉ tiêu tính năng chiếnkỹ thuật đã phê duyệt. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng rất ấn tượng với các công nghệ được áp dụng trong quá trình nghiên cứu, phát triển tổ hợp mô phỏng huấn luyện SU-30MK2.

Quá trình từ những ngày đầu còn loay hoay tìm hiểu công nghệ Mô hình Mô phỏng cần gì, thế giới đang phát triển ra sao cho đến khi đạt bằng sáng chế của Mỹ về công nghệ Mô hình Mô phỏng là minh chứng rõ nét cho thấy sự kiên trì, quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu chính là chìa khoá để VHT nghiên cứu thành công nhiều mô hình mô phỏng huấn luyện quân sự và dân sự.

Sau 6 năm thành lập, ngày hôm nay, ông Phương Sáng đã có thể tự tin trả lời về những yếu tố cần có để nắm trong tay công nghệ lõi của Mô hình Mô phỏng: “Thứ nhất, hệ thống thiết kế phải rõ ràng, sau đó làm chủ công nghệ lõi của từng thành phần, cụ thể như: Làm chủ công nghệ lõi về mô hình hóa tính toán mô phỏng, công nghệ lõi về chế tạo cơ cấu chuyển động, công nghệ lõi về tạo hình ảnh 3D. Khi làm chủ thành phần công nghệ lõi và thiết kế hệ thống sẽ xây dựng được hệ thống mô phỏng khí tài tương đối hoàn thiện”.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, công nghệ mô phỏng đang đóng vai trò quan trọng trên nhiều mặt của các hoạt động quân sự hiện đại như nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm vũ khí trang bị mới. Sử dụng công nghệ mô phỏng cho phép tối ưu hóa tính năng kỹ thuật, chiến thuật và đánh giá hiệu quả trong chiến đấu trước khi quyết định sản xuất mẫu đầu tiên để thử nghiệm trong thực tiễn. Công nghệ mô phỏng cũng cho phép huấn luyện dưới nhiều hình thức, từ đơn giản đến phức tạp, tạo nên những giờ học trực quan, sinh động giúp học viên nâng cao kỹ năng, tâm lý trong sử dụng vũ khí, trang bị. Đồng thời, các hệ thống này mang lại hiệu quả chi phí cao hơn so với phương pháp huấn luyện quân sự truyền thống, tránh được những trường hợp rủi ro, nguy hiểm trong điều kiện thực, giảm tác động xấu tới môi trường…

Hiện nay, quân đội nhiều nước đang tăng cường mua sắm các thiết bị mô phỏng và sử dụng trong huấn luyện. Các nhà sản xuất vũ khí sẽ sản xuất các thiết bị mô phỏng đi kèm với vũ khí mới. Ngoài ra, xu hướng hiện nay trên thế giới là tăng cường ứng dụng công nghệ VR/AR (thực tế ảo/thực tế tăng cường) nhằm cải thiện chất lượng hệ thống mô phỏng, tăng độ chân thực; đồng thời chuẩn hoá và kết nối hệ thống mô hình mô phỏng các loại với nhau nhằm tạo ra kỹ thuật chiến thuật thích hợp.

"Bảo chứng" cho thành công

Năm 2022, Cơ quan Quản lý sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã chính thức công nhận bằng sáng chế độc quyền tại Mỹ đối với 2 đăng ký của Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT). Như vậy, tính đến nay, USPTO đã cấp cho VHT 8 bằng sáng chế độc quyền. Con số này đã khẳng định VHT là doanh nghiệp công nghệ cao của Việt Nam có nhiều bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền của Mỹ nhất, bao trùm trên cả 3 lĩnh vực là quân sự, dân sự, viễn thông.
Đọc thêm

"Sắc và Nhọn"

Trong khuôn viên rợp bóng cây xanh rộng đến 15.000m2 của Công ty TNHH MTV Thông tin M1 ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội, là năm xưởng sản xuất công nghệ cao. Đối tác của M1 có rất nhiều khách hàng là những thương hiệu hàng đầu thế giới như General Electric, Toshiba, Intel… Nhưng với riêng “đối tác” Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó Giám đốc kỹ thuật M1, dành tình cảm đặc biệt.
Đọc thêm

Chuyện những người "thử vàng" ở VHT

“Để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, chất lượng sản phẩm chắc chắn cần được đảm bảo ở mức độ quốc tế” - Đây là ý chí chung của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và cũng là định hướng phát triển then chốt của Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT). Để đạt được mục tiêu đó, sự ra đời của Trung tâm Quản lý Chất lượng, VHT, cũng như những yêu cầu gắt gao về trình độ khoa học kỹ thuật và nhân lực của Trung tâm là điều thiết yếu.
Đọc thêm