Bahari shwari haitoi wanamaji stadi

Biển lặng chẳng tạo nên thuỷ thủ tài ba

(Ngạn ngữ Swahili)

Kính gửi Quý bạn đọc,

Cơn bão mang tên Covid-19 tràn đến với cấp độ cao nhất, đảo lộn cuộc sống của con người không chỉ ở một quốc gia, không chỉ ở một lục địa mà là cả thế giới. Một lần nữa, trong hoàn cảnh ngặt nghèo, loài người lại chứng minh sức sáng tạo vô hạn của mình. Vắc-xin chống Covid-19 được sáng chế trong vòng một năm, một tốc độ chưa hề có tiền lệ. Sáng kiến COVAX đang từng bước giúp hàng tỷ người trên thế giới được tiêm vắc-xin một cách nhanh nhất. Quan trọng hơn, những rào cản mà Covid-19 đặt ra tạo ra một bước đột phá đối với những tiến bộ về công nghệ, đặc biệt là trên môi trường số.

Ở Việt Nam, Covid-19 đang đẩy nhanh tiến trình của cuộc cách mạng 4.0 hơn bất kỳ điều gì khác. Là đơn vị tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số, Viettel ứng dụng công nghệ để giúp đất nước, nhân dân trong công tác phòng, chống, làm giảm ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhờ hoàn thành xây dựng các thành tố quan trọng nhất của một xã hội số, Viettel đang từng bước làm thay đổi cuộc sống của người dân Việt Nam.

Khi Viettel tuyên bố sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số cách đây 3 năm, chúng ta hiểu rằng, sự thành công của công nghệ chỉ có thể đánh giá thông qua cách mà nó phục vụ con người. Trong Tạp chí số Tết Nhâm Dần 2022, mời quý độc giả cùng chúng tôi điểm lại những câu chuyện về cách con người sử dụng công nghệ để vượt qua cơn bão Covid-19 và từng bước xây dựng xã hội số.

Trân trọng,

BAN BIÊN TẬP

“Với tư cách là đơn vị tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số, Viettel xác định việc đóng góp những giải pháp công nghệ để giải quyết các vấn đề của đất nước là trách nhiệm của chúng ta.” Đây là khẳng định của Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội khi những ngày cuối cùng của năm 2021 khép lại.

Thưa Chủ tịch, Viettel năm 2021 nổi lên như một điểm sáng cả về hoàn thành nhiệm vụ kinh tế cũng như đảm bảo phòng chống dịch Covid-19. Có câu “Thuyền to thì sóng cả”, nhưng Viettel đang chứng minh thuyền càng lớn lại càng vững vàng. Con thuyền Viettel đã có sự chuẩn bị như thế nào để vượt qua những con sóng lớn trong năm đại dịch 2021?

Dịch Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Mọi đối tượng đều chịu ít hay nhiều thiệt hại, nặng nề nhất phải kể đến các doanh nghiệp. Nhiều người cho rằng trong dịch thì khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông nhiều hơn. Nhưng thực tế là khi thu nhập của người dân ít đi, khó khăn về việc làm tăng lên, thì tất cả nhu cầu tiêu dùng đều bị hạn chế. Số liệu đã chứng minh dịch vụ viễn thông truyền thống của Viettel chịu ảnh hưởng rất nhiều. Trên thị trường, thậm chí có doanh nghiệp viễn thông giảm đến 10% doanh thu.

Khi dịch bệnh bùng phát, chúng ta đã nhận định chắc chắn Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Viettel đã xác định hai việc phải làm. Đầu tiên, phải tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước kia, trong lĩnh vực viễn thông, Viettel đặt ra rất nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng vào lúc khó khăn, chúng ta chỉ tập trung vào một nhiệm vụ chính. Đó là giữ vững dịch vụ viễn thông truyền thống, không để suy giảm. Chúng ta không đặt nặng việc phát triển thuê bao, không tham gia những cuộc chiến giá cả, cạnh tranh thị trường nữa. Tất cả mọi người đã khó khăn rồi. Với nguyên tắc bất di bất dịch như vậy, Viettel đã thực sự giữ được những dịch vụ truyền thống.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể dậm chân tại chỗ, bắt buộc phải tăng trưởng. Chúng ta lại tìm ra những dịch vụ mới, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số, lĩnh vực Viettel đã chuẩn bị, phát triển từ năm 2018. Năm 2020, khi Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề, chúng ta đã có nền tảng nhất định, bắt đầu cung cấp các dịch vụ số như nội dung số, tăng cường logistics, chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đẩy mạnh y tế, giáo dục, giao thông… Đấy là những nguồn lực mới để Viettel tăng trưởng.

Tất nhiên, khi bắt đầu chúng ta cũng không thể chạy quá nhanh. Nhưng những dịch vụ chuyển đổi số đã giúp chúng ta lớn mạnh ở mức nhất định trong thời kỳ khó khăn. Trước đây, chúng ta tập trung vào viễn thông để phát triển. Covid-19 xảy ra, thị trường bão hòa thì chúng ta đặt mục tiêu mới: duy trì viễn thông và tăng trưởng ở các lĩnh vực khác. Không những vậy, chúng ta còn hỗ trợ rất nhiều cho chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp vượt qua các đợt dịch. Dịch Covid-19 đã thúc đẩy ta hiện thực các mục tiêu sớm hơn dự định ban đầu.

Như vậy, có thể thấy ngay khi khó khăn bủa vây, vào lúc mọi hoạt động kinh tế đều suy giảm, chúng ta vẫn nhìn thấy những thuận lợi giúp Viettel có những bước phát triển vững chắc?

Chúng ta có hai điểm thuận lợi. Đầu tiên, Viettel là một đơn vị nghiên cứu sản xuất. Khi còn đang rất thành công ở cương vị một nhà cung cấp dịch vụ, Viettel đã nhận thấy sự cần thiết phải phát triển nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và sản xuất thiết bị của riêng mình. Với nền tảng đó, khi đại dịch xảy ra, chúng ta vẫn có thể tiếp tục sản xuất thiết bị quân sự, dân sự, thậm chí sản xuất hệ sinh thái sản phẩm phục vụ chuyển đổi số, cung cấp cho thị trường, tổ chức, cá nhân. Đó cũng là nguồn phát triển của chúng ta.

Ngoài ra, một trong những lý do giúp Viettel thành công giữ vững sản xuất kinh doanh mà vẫn đảm bảo phòng chống dịch chính là do chúng ta là Tập đoàn toàn cầu. Covid-19 ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới, nhưng lại ảnh hưởng ở mỗi nước với mức độ khác nhau. Giai đoạn đầu châu Mỹ hay Peru ảnh hưởng rất lớn trong khi châu Phi lại không mấy chịu tác động. Và đó là lúc châu Phi bật lên. Trong đợt dịch vừa qua, chính đầu tư nước ngoài của Viettel lại tăng trưởng rất cao, luôn ở mức trung bình 15-16%. Trên thế giới hầu như không có doanh nghiệp viễn thông nào tăng trưởng 15-16% cả.

NCSX.jpg

Không chỉ giữ vững được sản xuất kinh doanh và đảm bảo an toàn cho Tập đoàn, năm 2021, Viettel còn đi đầu trong hỗ trợ Chính phủ, người dân và các doanh nghiệp khác vượt qua đại dịch. Cơ sở nào khiến Viettel nhận về mình trách nhiệm đó?

Ý tưởng của Viettel rất đơn giản: khi đại dịch xảy ra, ngoài vắc-xin và thuốc, công nghệ sẽ giúp ích rất nhiều trong phòng chống dịch, kể cả ở tầm quốc tế. Và thực tế đúng là như vậy.

Là Tập đoàn công nghệ lớn nhất ở Việt Nam hiện nay, Viettel nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm đối với đất nước: phải đưa công nghệ áp dụng vào để trong phòng chống dịch. Ngay từ khi bắt đầu công cuộc chống dịch, công nghệ đã được áp dụng trong truy vết F1, F2. Khai báo y tế cả trong nước và quốc tế cũng được triển khai online để người dân thao tác đơn giản nhất. Chúng ta lắp camera, xây dựng hệ thống quản lý camera cho các khu cách ly tập trung, kịp thời phát hiện những cá nhân vi phạm quy chế, quy định trong phòng chống dịch.

Khi toàn quốc tiêm vắc-xin thì việc truy vết không còn đóng vai trò tiên quyết nữa. Thay vào đó, nhiệm vụ đặt ra là phải quản lý được quá trình tiêm vắc-xin chính xác, hiệu quả. Viettel lại phát triển các dịch vụ như hệ thống quản lý tiêm chủng, nền tảng quản lý sức khỏe toàn dân. Những việc đó theo tôi mang ý nghĩa rất lớn trong việc giảm bớt công sức, nỗ lực của đất nước mà vẫn đạt được thắng lợi cuối cùng. Và với tư cách là đơn vị tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số, Viettel tự xác định đóng góp những giải pháp công nghệ là trách nhiệm của chúng ta.

Chắc hẳn những ngày đầu đưa công nghệ vào chống dịch không dễ dàng gì, Chủ tịch có kỷ niệm gì đáng nhớ khi tham gia đóng góp vào hoạt động chống dịch?

Trong giai đoạn chống dịch, có thể nói toàn bộ đội ngũ CBNV của Viettel đã đồng sức, đồng lòng cùng nhân dân cả nước, triển khai áp dụng hàng loạt các giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng, chống, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch bệnh. Có rất nhiều câu chuyện minh chứng cho tinh thần mạnh mẽ, sự hy sinh vượt khó của hàng đội ngũ CBNV Viettel trong suốt 2 năm tập trung chống dịch vừa qua.

Về phía cá nhân tôi có một kỷ niệm nhỏ trong giai đoạn đầu đại diện cho Tập đoàn tham gia các phiên họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Lúc đó cũng nhiều quan điểm rất khác nhau, mọi người tranh luận rất nhiều. Có những lúc mình cuốn theo tình hình quá, “tranh” cả quyền phát biểu với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (cười). Đến lúc có người nhắc "dừng lại để cho Phó Thủ tướng nói" thì tôi mới giật mình là đang tranh luận hơi mạnh với Phó Thủ tướng.

Thực sự lúc đó có rất nhiều vấn đề bức xúc được đặt ra. Cũng có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí rất khác biệt. Người này ý này, người kia ý kia. Tình hình dịch thực sự cũng rất căng, nhiều việc cần phải được quyết định gấp. Lúc đó với vai trò đại diện cho Viettel, đứng trên góc độ khoa học công nghệ, mình đưa ra các vấn đề mà mình nghĩ là cần phải xử lý ngay. Tất nhiên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng là con người khoa học, ông hiểu những người khoa học, công nghệ thường hay nhiệt huyết nên cũng thông cảm cho tôi. Những lần “tranh luận” như thế đã cho ra các sản phẩm rất hiệu quả phục vụ cho chống dịch. Đó là những kỷ niệm tôi sẽ nhớ mãi.

Thời điểm này có thể khẳng định Viettel đã làm tròn trách nhiệm với đất nước, với Quân đội, với xã hội. Có lúc nào, chúng ta phải cân nhắc giữa lợi ích, mục tiêu của doanh nghiệp với lợi ích của CBNV trong đại dịch? Trách nhiệm của Tập đoàn đối với CBNV của mình ra sao?

Trong thời gian qua, chúng ta luôn đặt an toàn cho CBNV lên hàng đầu. Ngay từ khi dịch mới xuất hiện, chúng ta đã thực hiện rất chặt chẽ các quy định như 5K, phòng chống dịch, làm việc tại nhà… Và đặc biệt, khi có vắc-xin thì chúng ta đã tìm mọi cách để hoàn thành các mũi tiêm nhanh nhất cho toàn bộ CBNV. Tôi nghĩ Viettel là một trong những tập đoàn thành công trong việc nhanh chóng tiêm vắc-xin cho CBNV.

Đấy là việc đầu tiên cần được hoàn thành. Khi chúng ta đảm bảo an toàn, không để xảy ra hậu quả lớn, chúng ta sẽ giữ vững được sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tôi vẫn lo lắng nhiều vì chúng ta có nhiều dịch vụ phải tiếp xúc, phục vụ khách hàng. Ví dụ như Viettel Post, đội ngũ bưu chính liên tục phải đi ngoài đường. Ưu tiên đầu tiên là phải tiêm vắc-xin cho tất cả lực lượng tuyến đầu, thậm chí tôi còn yêu cầu tiêm vắc-xin cho cả người thân của lực lượng này, để CBNV được bảo vệ từ gia đình.

Năm qua, Tập đoàn đã hỗ trợ cho hơn 13.000 lượt người lao động bị gián đoạn công việc do ảnh hưởng của dịch bệnh, với số tiền hơn 23 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chúng ta còn dành hơn 2 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động bị mắc Covid-19, bao gồm cả người thân của CBNV. Chúng ta phải có cách làm đặc biệt để CBNV của chúng ta được an toàn nhất. Song song với đó, đương nhiên chúng ta vẫn có những chiến lược mới, cách đi mới để làm sao giữ vững được sản xuất kinh doanh và tiếp tục tăng trưởng.

_DSC2276.width-800.jpg

Bước sang năm 2022, dịch Covid-19 được dự báo vẫn tiếp tục là thách thức đối với Việt Nam và các doanh nghiệp. Mục tiêu của Viettel trong năm 2022 sẽ như thế nào, thưa ông?

Tôi vẫn tin tưởng năm 2022 sẽ tốt hơn. Tốt hơn vì chúng ta đã hoàn thành kế hoạch tiêm 2 mũi vắc-xin, bắt đầu tiêm mũi vắc-xin thứ ba. 2 năm qua, chúng ta gặp nhiều khó khăn vì tiêm vắc-xin chậm. Bây giờ có vắc-xin rồi, dù có thể sẽ xuất hiện nhiều biến thể khác nhau, nhưng tôi tin mức độ dịch sẽ nhẹ đi và dần dần trở về như cúm mùa. Rất nhiều chuyên gia trên thế giới xác định dịch Covid-19 trong năm 2022 sẽ chấm dứt. Không phải theo hướng “zero Covid” mà là có thể chung sống hòa bình.

Tôi nghĩ 2022 sẽ là năm chúng ta tập trung phát triển, vực lại 2 năm vừa qua. Năm 2022, những nền tảng chuyển đổi số, nghiên cứu sản xuất của chúng ta đã sẵn sàng, những nền tảng vừa chống Covid-19 vừa thúc đẩy kinh tế. Mọi người thường nói nếu không có Covid-19 thì Việt Nam phải vài năm nữa mới chuyển đổi số. Nhưng Covid-19 đã thúc đẩy tất cả mọi người. Đến giờ phút này, ai cũng nghĩ là không thể tiêu tiền mặt nữa, và mọi hoạt động đã được chuyển lên môi trường online. Nhiều hoạt động online thậm chí trở thành cuộc sống bình thường. Đó là những đảm bảo để chúng ta đi nhanh hơn trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Cùng với việc dịch bệnh sẽ giảm tác động, tôi tin năm 2022, Tập đoàn sẽ phát triển rất tốt. Cả Việt Nam sẽ phát triển rất tốt.

Niềm tin của ông sẽ tạo ra động lực rất lớn đối toàn thể CBCNV Viettel trong năm mới. Trước chặng đường 365 ngày sắp tới, ông nhắn nhủ điều gì đến với hàng vạn người Viettel trên toàn cầu?

Năm 2022 đối với Viettel sẽ là năm có nhiều thuận lợi và cơ hội. Càng thách thức càng là cơ hội. Chúng ta đã có tất cả nền tảng, cơ sở để tiến lên. Nhiệm vụ của mỗi người là bằng hết sức mình, tất cả trí tuệ của mình để đẩy Viettel năm 2022 bật lên trở thành doanh nghiệp dẫn đầu của đất nước, khu vực và thậm chí có những bước phát triển nhanh nhất thế giới.

Xin cám ơn ông!

Trường Sơn - Khánh Hòa

Thực hiện tháng 12/2021.

"Môi trường tốt sẽ tạo ra những cá nhân xuất sắc và không bao giờ tạo ra những người xấu” - chia sẻ vào tháng 12/2021 với Viettel Family, đồng chí Hoàng Sơn, Bí thư Đảng ủy, Phó TGĐ Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội khẳng định. Giản dị và khúc chiết, câu chuyện của người phụ trách công tác con người của Tập đoàn xoay quanh về CBNV Viettel trong bối cảnh cách thức tổ chức cuộc sống, công việc đã và đang có nhiều biến đổi vì đại dịch Covid-19.

GIỮ GÌN AN TOÀN SỨC KHỎE CỦA CBNV LÀ MỤC TIÊU QUAN TRỌNG NHẤT

Năm 2021 là năm có nhiều khó khăn chung do dịch Covid-19 nhưng Viettel đã hoàn thành mục tiêu kép: giữ vững tăng trưởng trong sản xuất kinh doanh (SXKD) và đảm bảo an toàn cho cán bộ nhân viên (CBNV), đồng thời đóng góp lớn cho công tác chống dịch của quốc gia. Trong quá trình này, nhiệm vụ nào được lãnh đạo Tập đoàn đặt làm trọng tâm hơn cả, thưa ông?

Nằm trong bối cảnh chung, Viettel không tránh khỏi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. CBNV của các đơn vị trong tập Đoàn như: TCT Viễn thông, TCT Bưu chính, TCT Công trình, CT Thương mại và Xuất nhập khẩu… đều hoạt động ở địa bàn rộng, tiếp xúc thường xuyên và đa dạng với khách hàng. Khi dịch bùng phát, điều Ban TGĐ quan tâm đầu tiên là đảm bảo an toàn, giữ gìn sức khỏe cho CBNV. Chúng ta đã đảm bảo những điều kiện tốt nhất để CBNV và người thân phòng, tránh dịch. Ngay từ đầu, Tập đoàn đã hướng dẫn kịp thời và cung cấp các vật dụng bảo hộ cá nhân. Khi Việt Nam có vắc-xin, Viettel cũng là đơn vị sớm triển khai công tác này. Đến nay có thể nói Viettel là doanh nghiệp có số lượng người được tiêm chủng lớn nhất, trong đó có cả người thân của CBNV, hơn 98,5% đã được tiêm mũi hai và bắt đầu triển khai tiêm mũi 3.

Đối với doanh nghiệp, việc duy trì các hoạt động SXKD, hoàn thành các mục tiêu đã đề ra là yêu cầu sống còn. Là Tập đoàn công nghệ lớn nhất nước, chúng ta có vai trò dẫn dắt và là nòng cốt trong việc triển khai các nền tảng công nghệ trong phòng chống dịch, đồng thời đóng góp các nguồn lực hỗ trợ Chính phủ, người dân giải quyết những khó khăn trong đại dịch.

Việc Viettel vượt qua đại dịch, giữ vững kết quả sản xuất kinh doanh phải chăng được bắt đầu từ việc chúng ta đã tạo dựng được môi trường gắn kết, chia sẻ, cộng hưởng để tạo sức mạnh, thưa ông?

Trong bối cảnh như vậy, điều quan trọng là làm sao để CBNV ổn định về tư tưởng, tập trung SXKD và sẵn sàng chia sẻ với những khó khăn chung của đất nước. Tôi cho rằng, các hoạt động Công tác Đảng - Công tác chính trị đã hỗ trợ rất tốt cho việc Tập đoàn hoàn thành mục tiêu kép. Chúng ta đã thực hiện tuyên truyền, giáo dục thống nhất nhận thức “Chống dịch như chống giặc”, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Tập đoàn đã hướng dẫn xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực, phát huy tinh thần vượt khó.

Các tổ chức quần chúng đã phát huy tốt vai trò trong việc động viên, huy động lực lượng tham gia các hoạt động cùng cộng đồng phòng chống dịch. Quan tâm, chăm lo chế độ, chính sách chia sẻ khó khăn với CBNV. Trong năm, Viettel đã hỗ trợ 14 nghìn lượt CBNV bị giảm thu nhập với số tiền gần 24 tỷ đồng; hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng cho hơn 800 lượt CBNV, người thân bị nhiễm, ảnh hưởng do Covid-19. CBNV đã chia sẻ ngày lương, cùng với Tập đoàn đóng góp vào Quỹ phòng chống dịch Covid, Quỹ vắc-xin, tặng máy tính bảng cho học sinh nghèo…

CBNV Viettel cũng đã không quản ngại khó khăn, vất vả, sẵn sàng xung phong ra tuyến đầu, dũng cảm đi vào tâm dịch, triển khai các hệ thống công nghệ hỗ trợ quản lý điều hành tại các khu cách ly hay tận tụy vận chuyển, cung ứng hàng hóa cho các quận huyện bị phong toả. Đặc biệt, CBNV Tập đoàn đã đồng sức, chung lòng tìm ra các giải pháp phù hợp duy trì hoạt động SXKD, hoàn thành mọi chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận của năm 2021.

KHÔNG PHẢI AI CŨNG LÀM VIỆC Ở VIETTEL CẢ ĐỜI. MÔI TRƯỜNG TỐT SẼ HÌNH THÀNH NGƯỜI TỐT

Thưa ông, Viettel nhiều năm được ghi nhận là DN có môi trường làm việc tốt nhất, không chỉ ở VN mà còn của cả châu Á. Ông lý giải thế nào và có thể phân tích rõ quan điểm của chúng ta về việc tạo ra môi trường cho người lao động để họ phát huy được hết năng lực và đóng góp cho sự phát triển của Viettel?

Theo tôi, người lao động khi đi làm thì điều quan trọng nhất là thấy được ở tổ chức ấy có cơ hội nâng cao trình độ cho cá nhân mình không? Có khả năng và cơ hội thăng tiến? Theo tôi, yếu tố này nhiều khi còn quan trọng hơn cả lương thưởng. Tôi cho rằng, Viettel có cơ sở để đáp ứng những mong muốn của người lao động.

Viettel là tập đoàn công nghệ, hiện nay đặt ra sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số và vì thế Viettel có không gian rộng mở về các lĩnh vực mới, có tính sáng tạo cao. Ví dụ, để xây dựng được các nền tảng cho xã hội số thì phải có hạ tầng băng thông rộng. Băng thông rộng thì phụ thuộc vào công nghệ 5G, 6G. Hiện nay các quốc gia phát triển trên thế giới đều đang tập trung theo đuổi để có thể tự mình làm chủ công nghệ 5G. Nếu Viettel thương mại hóa được toàn bộ mạng lõi chuyển mạch 5G, thiết bị truyền dẫn tốc độ cao, các trạm thu phát sóng 5G, như vậy có thể tạo ra hàng trăm việc làm mới, đầy thách thức về công nghệ. Đây là những việc khó, phức tạp, yêu cầu người lao động phải có kiến thức, ý chí để tạo ra các sản phẩm công nghệ có hàm lượng trí tuệ cao. Tạo ra sản phẩm như thế, ai cũng sẽ thấy tự hào.

PTGD BT Hoang Son-4.JPG

Ngoài ra Viettel cũng đi đầu trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như Blockchain, AI, Big data… trên không gian mạng khiến cho người lao động được trải nghiệm không gian sáng tạo rộng mở. Người lao động có vô số cơ hội tiếp cận với những công nghệ mới trên thế giới để phát triển năng lực bản thân.

Một yếu tố nữa ảnh hưởng đến môi trường làm việc là người lãnh đạo, quản lý và đồng nghiệp. Ai đi làm cũng mong muốn gặp được lãnh đạo hiểu mình, tạo được động lực, giúp mình nâng cao năng lực. Đồng nghiệp tôn trọng, đoàn kết vì mục tiêu chung. Vai trò của lương thưởng, thu nhập, đảm bảo cuộc sống là lý do chính để người lao động đi làm. Mong muốn của người lao động là được trả tương xứng với năng lực bản thân, mức chi trả cạnh tranh và tốt hơn trên thị trường.

Có thể thấy Viettel tạo dựng được môi trường làm việc tốt nhất dựa vào các yếu tố chính: Người Viettel được tạo cơ hội trưởng thành qua việc khó, thách thức; Môi trường làm việc đoàn kết sáng tạo; Chính sách đãi ngộ và văn hóa nhân văn; Danh tiếng Viettel và công tác lãnh đạo, quản lý tốt. Quan điểm của lãnh đạo Tập đoàn là vẫn tiếp tục cải tiến, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để người lao động được hạnh phúc nhất khi làm việc tại Viettel.

Ngoài việc đáp ứng đủ và cao hơn các tiêu chuẩn thị trường lao động về lương thưởng, danh tiếng công ty, cơ hội phát triển, đội ngũ lãnh đạo, chất lượng công việc và cuộc sống, văn hóa và môi trường. Viettel có điều gì khiến ông cảm thấy người lao động tiếp tục mong muốn gắn bó với Tập đoàn?

Mỗi người có những mong muốn khác nhau, nhưng tôi nghĩ Viettel có khá nhiều chính sách đặc biệt. Ví dụ như món quà Tết dành cho gia đình CBNV. Mỗi năm gần 100 nghìn suất quà Tết được gửi tới gia đình CBNV với giá trị như nhau dù đó là Tổng giám đốc hay người văn thư, lái xe… Cố định trong túi quà đó lá thư của người đứng đầu Tập đoàn, cuốn Tạp chí Tết của Viettel, quyển lịch năm mới và lúc là một phong bao lì xì, khi là một hộp bánh, mứt.

Giá trị vật chất của món quà không phải là quá lớn, nhưng gia đình CBNV Viettel nhận món quà này đều rất trân trọng và rất vui. Để gần 100 nghìn món quà đó đến với từng gia đình không phải là việc dễ. Rất nhiều người thân đọc rất kỹ cuốn Tạp chí, thấy Tập đoàn làm được nhiều việc trong một năm, đóng góp ý kiến chỗ này, chỗ kia…Đó là sự tôn trọng, tri ân của tổ chức đối với người lao động và người thân của họ. Hoặc một chính sách rất nhân văn khác của Tập đoàn trong việc hỗ trợ các CBNV không may hiếm muộn. Định kỳ, Tập đoàn tổng hợp danh sách, hỗ trợ về thời gian, kinh phí, đồng thời cử các bộ phận chuyên môn liên hệ với các bệnh viện lớn có hợp tác với Tập đoàn để có những bác sỹ tốt nhất, công nghệ mới nhất… Đã có hàng trăm người Viettel được hỗ trợ để có cơ hội làm cha, làm mẹ.

Một trong những giá trị cốt lõi của chúng ta đó là “Viettel là Ngôi nhà chung”. Đã là ngôi nhà, là gia đình thì luôn yêu thương, giúp đỡ, cùng nhau phát triển. Chúng ta quan tâm đến công việc, sức khỏe, đến hạnh phúc của nhau. Cũng không ít người đã rời Viettel nhưng khi gặp lại vẫn vô cùng phấn khích khi nhắc lại thời gian ở Viettel. Đặc biệt là những giai đoạn thần tốc phát triển mạng lưới, làm việc vô cùng vất vả, lương thấp nhưng lại hết sức tự hào vì văn hoá Viettel đã ngấm vào họ.

Nguoi than CBNV Viettel co the mua BHSK voi gia uu dai gan 50%.jpg

Nói đến chuyện gắn bó hay rời bỏ Viettel, ông suy nghĩ gì về việc này?

Không phải ai cũng làm ở Viettel cả đời. Tôi nghĩ hành trình của mỗi công ty cũng như một chuyến tàu Bắc – Nam. Có người vừa ra khỏi Hà Nội là xuống ga Thường Tín luôn, có người lại ngồi đến tận ga Sài Gòn. Đó là mục tiêu của mỗi người. Viettel là một chuyến tàu chất lượng cao. Tôi tin ai từng lên chuyến tàu ấy, dù xuống một ga bất kỳ đều mang theo những giá trị nhất định.

Viettel là một môi trường làm việc tốt. Môi trường làm việc tốt không thể có những người xấu, chỉ có thể làm nên những người tốt, dù gắn bó với Viettel lâu hay mau. Viettel sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường làm việc tốt nhất, phát huy hết năng lực cá nhân để mỗi cá nhân đóng góp giá trị lớn nhất cho tổ chức. Mỗi người đã đến Viettel, đi chặng ngắn hay chặng dài, đều là một viên gạch xây dựng Viettel phát triển, tự hào là mình đã ở Viettel. Mong muốn của chúng ta là như vậy.

NỘI BỘ ĐOÀN KẾT SẼ TẠO RA TẬP THỂ MẠNH CHỨ KHÔNG PHẢI CÓ NHIỀU NGƯỜI TÀI

Thu hút, gìn giữ nhân tài luôn là chủ đề được đề cập rất nhiều trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ giữa các DN. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Đầu tiên, phải thấy rằng khái niệm nhân tài cũng có nhiều cách hiểu khác nhau. Nhưng dù tài thế nào, để sống và làm việc cùng nhau thì phải chung chí hướng, cùng mục tiêu. Không cùng mục tiêu mà lại luôn muốn chứng minh mình là người tài thì không bao giờ có kết quả tốt.

Trong một tập thể lớn như Viettel, tỷ lệ người tài rất cao nhưng chắc chắn không có ai hoàn hảo. Mỗi người có một thế mạnh riêng và người quản lý phải sáng suốt tìm ra ưu thế, điểm mạnh từng cá nhân để cộng hưởng sức mạnh đó. Cách ở Viettel là đặt ra mục tiêu thách thức, giao nhiệm vụ rõ ràng, mọi người đoàn kết, tìm ra hướng đi để giải bài toán đó. Nội bộ đoàn kết sẽ tạo ra tập thể mạnh, kết hợp với những bộ óc sáng suốt sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

KHÔNG HOẢNG SỢ VỚI DỊCH BỆNH, TIẾP TỤC ĐỘT PHÁ CHUYỂN ĐỔI SỐTrở lại với câu chuyện của năm 2022, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ phía Nhà nước đã có những chính sách cho việc điều chỉnh để sống chung với dịch. Theo ông, Tập đoàn và mỗi CBNV cần sự chuẩn bị như nào để đảm bảo an toàn, phục vụ SXKD ?

Theo tôi, thực tế không chỉ ở VN mà trên thế giới cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau. Trung Quốc kiên trì duy trì “zero-Covid”, nhưng các nước Châu Âu và Đông Nam Á đã chấp nhận sống chung và coi nó như một loại bệnh thông thường.

Đầu tiên chúng ta cần hiểu rõ và nhận thức được, đã gọi là dịch bệnh thì vẫn nguy hiểm và chúng ta phải có ý thức bảo vệ sức khỏe. Đầu tiên là bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình, không làm ảnh hưởng đến đồng nghiệp, tập thể. Chúng ta sống chung với nó nhưng phải có ý thức 5K không để lây lan dịch bệnh. Nhiều nước cũng đã bắt đầu coi đây là dịch bệnh thông thường. CBNV trong Tập đoàn chuẩn bị tiêm mũi 3. Tập đoàn cũng đã có kế hoạch mua thuốc điều trị. Chúng ta không cần hoảng sợ, lo lắng. Suốt ngày nghĩ đến dịch bệnh không làm được việc.

Có một điểm tích cực đó là Covid-19 cũng tạo ra cơ hội thay đổi, chuyển đổi về mặt nhận thức, tư duy rất lớn trong xã hội. Về mặt công nghệ, đây chính là cơ hội cho Viettel tăng cường thúc đẩy chuyển đổi số. Chúng ta có rất nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ trên không gian số để hỗ trợ cho Chính phủ, tổ chức, DN và người dân. Đặc biệt là 2 lĩnh vực Viettel đã tham gia từ rất lâu, dành mọi nguồn lực để xây dựng là y tế và giáo dục.

Tương lai đất nước phụ thuộc vào giáo dục và y tế. Các thế hệ con cháu mình, dân tộc mình phải được hỗ trợ giáo dục để cạnh tranh với thế giới, phải khỏe mạnh mới có xã hội phồn vinh. Tôi tin tưởng năm 2022 là một năm Viettel tiếp tục có những đột phá và thành công.

Xin cám ơn ông!

Sơn Đỗ

Thực hiện tháng 12/2021.

“Chỉ trong một thời gian không xa, sự phát triển của 5G cũng như các công nghệ liên quan sẽ tạo ra một cách mạng về kết nối, tác động lớn đến tất cả các lĩnh vực đời sống. Đó sẽ là những không gian phát triển mới đang chờ sự khai phá của Viettel”– Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tào Đức Thắng chia sẻ về những cơ hội dành cho Viettel ở kỷ nguyên số trong cuộc trò chuyện cuối năm 2021 với Viettel Family.

Thưa ông, chứng kiến sự phát triển của các công nghệ mới những năm qua, ông có nhận định, dự báo như thế nào về xu hướng công nghệ tới đây cũng như ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào?

Trong khoảng 5 năm qua, chúng ta đã chứng kiến thay đổi rất lớn trong tất cả khía cạnh của đời sống dưới tác động của công nghệ. AI, Machine Learning, Blockchain, Big Data… được áp dụng trong mọi lĩnh vực.

Đặc biệt trong giai đoạn 2 năm đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, quá trình chuyển đổi số (CĐS) được thúc đẩy diễn ra nhanh hơn, quyết liệt hơn. Công nghệ mới tạo ra các nền tảng mới đáp ứng các nhu cầu thay đổi. Công nghệ bùng nổ khi buộc con người làm quen với rất nhiều hoạt động mà trước đây chúng ta không nghĩ đến, ví dụ như làm việc, khám chữa bệnh từ xa, mua sắm, học tập trực tuyến…

Tại Việt Nam, từ 2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia tới năm 2025 và định hướng tới năm 2030, với 3 trụ cột về Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó người dân là trung tâm, là chủ thể. Theo chiến lược này, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Chúng ta cũng sẽ đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn.

Trong xu thế chín muồi về công nghệ cũng như những cách thức tổ chức cuộc sống dưới tác động của đại dịch, tôi nghĩ trong khoảng 5 năm tới là thời kỳ của những công nghệ phục vụ cho tiến trình CĐS mạnh mẽ từ Chính phủ, doanh nghiệp, đến phạm vi gia đình, cá nhân tại Việt Nam.

Các giải pháp CĐS sẽ giúp Chính phủ phục vụ người dân tốt hơn, việc điều hành quản lý, quản trị xã hội hiệu quả và minh bạch hơn, thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn. Các giải pháp nền tảng về thương mại số, tài chính số, các dịch vụ logistics… sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn, thúc đẩy kinh tế số mạnh mẽ hơn, đóng góp cho sự phát triển của xã hội nhiều hơn. Sự phát triển của y tế số, giáo dục số, giao thông số, công nghiệp nội dung số sẽ phục vụ người dân tốt hơn, làm cho cuộc sống của người dân hạnh phúc hơn.

Nhìn chung xu hướng của giai đoạn tới là một sự chuyển đổi lớn ở quy mô toàn xã hội, trên nền tảng phát triển của công nghệ số. Với vai trò tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số, chúng ta thấy đây là cơ hội nhưng cũng là trách nhiệm của Viettel.

Trước những xu hướng đó, ông nhận định như thế nào về tương lai phát triển nền công nghiệp công nghệ cao (CNCNC) của Việt Nam nói chung? Ông đánh giá như thế nào về khả năng của Viettel trong lĩnh vực này?

Trong lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao (CNCNC), với những gì Viettel đã và đang thực hiện, chúng ta có quyền tự hào và tự tin về khả năng của mình. Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia phát triển thành công 5G trong thời gian chưa đầy 3 năm, sau khi công nghệ này lần đầu tiên được giới thiệu (năm 2018). Việc Viettel đặt nền móng cho 5G cũng như nhiều công nghệ khác cho thấy nước ta có khả năng tiệm cận với các công nghệ tiên tiến của thế giới nếu quyết tâm. Tất nhiên để so sánh với những nền công nghiệp đã có bề dày hàng chục, thậm chí cả trăm năm thì chúng ta vẫn cần nỗ lực rất nhiều để rút ngắn khoảng cách.

Trong tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) trước đây, Việt Nam đều đi sau thế giới khá xa. Hiện nay, chúng ta đang nỗ lực nắm bắt, tận dụng các cơ hội, thành tựu của cuộc CMCN 4.0. Quyết tâm đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần khẳng định, đó là Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc CMCN 4.0, không thể tiếp tục "lỡ tàu".

Theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đến năm 2025, Việt Nam phải là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp và đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đây là một mục tiêu rất thách thức. Hiện tại chúng ta chỉ còn cách 2025 có 3 năm và cần phải có những chiến lược rõ ràng. Có rất nhiều vấn đề phải được làm rõ. Ví dụ, nội hàm cụm từ "theo hướng hiện đại" là gì? Những lĩnh vực công nghiệp nào sẽ phải tập trung nguồn lực…

Tôi được biết Chính phủ đang xây dựng các chiến lược, các chính sách, hành lang pháp lý để triển khai các mục tiêu này. Viettel đã có những năng lực rất căn bản cho lĩnh vực nghiên cứu sản xuất CNCNC, vốn được các thế hệ lãnh đạo Tập đoàn đặt những nền móng từ giai đoạn 2009 - 2010. Chúng ta tự tin tiên phong trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của đất nước. Đây vừa là trách nhiệm nhưng cũng mở ra một cơ hội tăng trưởng trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất CNCNC của Viettel.

Câu chuyện chính sách, hành lang pháp lý đang là những vấn đề cần phải được giải quyết để giúp các doanh nghiệp phát huy được thời cơ của CMCN 4.0. Vậy Viettel sẽ phát huy vai trò như thế nào để thúc đẩy quá trình giải quyết các vấn đề đó, thưa ông?

Từ chính sách đi vào cuộc sống luôn có những khoảng cách. Lĩnh vực công nghệ thông tin – viễn thông cho thấy thực tế: sự tương tác giữa cuộc sống với công nghệ diễn ra rất nhanh. Công nghệ giúp giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Ngược lại cuộc sống cũng được phản ánh vào công nghệ. Cả hai đều tác động lẫn nhau để phát triển. Công nghệ là lĩnh vực có sự thay đổi rất nhanh và sự cạnh tranh cũng rất lớn. Chỉ cần vài tháng, thậm chí vài ngày, những công nghệ mới đã ra đời hoặc thay đổi…. Đối với các doanh nghiệp, nếu không kịp thời nắm bắt, thay đổi thì sẽ bị tụt hậu rất nhanh. Khi đã tụt hậu rồi thì dù có nỗ lực cũng khó có thể bắt kịp trở lại. Tôi có thể lấy ví dụ như những trường hợp của Yahoo, Nokia, Kodak…

Quan điểm của Viettel từ trước đến nay vẫn là chủ động ngay từ việc xây dựng cơ chế. Khi chúng ta muốn làm một việc mới nhưng việc đó chưa có ở bất cứ quy định, hướng dẫn nào thì chúng ta chính là người sẽ tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, triển khai cơ chế thử nghiệm. Viettel cũng chủ động việc xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá.

BTT-800.jpg

Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước hiện đang rất tích cực, xây dựng các quy định theo hướng ủng hộ sự đổi mới.

Nếu chúng ta có khát khao sáng tạo, nỗ lực đưa công nghệ phục vụ con người mà thụ động ngồi chờ người khác đưa cho mình, đảm bảo cho mình mọi điều kiện thì sẽ không bao giờ có kết quả.

Viettel đã nhìn rõ cơ hội và tiềm năng từ những xu hướng công nghệ, cũng đã xác định được những thách thức có thể phải vượt qua. Chúng ta tiếp tục dẫn dắt, lan tỏa về công nghệ như thế nào, thưa ông?

Trong giai đoạn qua, chúng ta đã xác định chiến lược rất rõ ràng với 6 lĩnh vực chủ đạo để kiến tạo xã hội số gồm: hạ tầng số, giải pháp số, nội dung số, tài chính số, an ninh mạng và nghiên cứu sản xuất CNCNC.

Viettel xác định phải đi đầu với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm khi tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay Viettel vẫn đang tiếp tục thực thi theo định hướng chiến lược này và trong giai đoạn tới chúng ta phải tiếp tục biến nó thành các kết quả cụ thể. Chúng ta sẽ phải thần tốc hơn, quyết liệt hơn, tiếp tục tập trung nguồn lực, hiện thực mục tiêu đã đề ra.

Để nói câu chuyện khai thác cơ hội, chúng cần nhìn trên góc độ: Xu hướng đó đòi hỏi những những yêu cầu gì, thế mạnh của chúng ta ở đâu? CĐS được kiến tạo trên cơ sở 4 công nghệ cốt lõi: AI, IoT, Cloud, Big Data. Những công nghệ này đều xoay quanh một yếu tố: Dữ liệu. Đặc biệt là bài toán công nghệ xử lý dữ liệu phi cấu trúc có quy mô khổng lồ.

Chúng ta nhìn thấy rõ xu hướng bùng nổ các nền tảng số kèm theo đó là thuê bao số. Các nền tảng số như thanh toán, thương mại điện tử, nội dung… chắc chắn sẽ có sự phát triển mạnh. Chúng ta kỳ vọng những dịch vụ như Viettel Money sẽ có hàng chục triệu người dùng chứ không chỉ là con số vài triệu. Đối với giải trí, nội dung số, ứng dụng TV360 đã có 1,8 triệu người dùng sau 1 năm hoạt động. Đó là con số rất tích cực.

Để tạo điều kiện cho sự tăng trưởng của nền tảng số với lượng dữ liệu cần phải xử lý lớn chưa từng có, chúng ta cần phải chuẩn bị một số công nghệ thiết yếu như hạ tầng điện toán đám mây Cloud computing, nền tảng định danh và xác thực số và đặc biệt là kết nối siêu băng rộng, độ trễ thấp, dung lượng lớn như 5G. Viettel cần có chiến lược triển khai nhanh, hiệu quả hạ tầng 5G.

Khi xã hội có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ thế giới thực vào thế giới số, và tới đây là vũ trụ ảo thì một trong những yếu tố luôn được nhấn mạnh, thậm chí được đưa lên hàng đầu là đảm bảo an ninh quốc gia và an toàn cho người dân. Chúng ta làm điều đó thế nào thưa ông?

Khi đời sống xã hội ngày càng chuyển dịch lên không gian số, vũ trụ ảo thì vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh mạng là yếu tố sống còn, phải làm ngay, làm toàn diện. Do đó, chúng ta đã bắt tay vào làm ngay hai việc.

Chúng ta phải làm chủ hạ tầng, nền tảng công nghệ. Nếu sử dụng hoặc lắp ráp, gia công, mua sắm lại các nền tảng của nước ngoài thì chúng ta sẽ không chủ động được thời gian triển khai, phụ thuộc vào đối tác, dẫn đến khó đảm bảo an toàn, an ninh mạng lưới, bảo mật thông tin.

Cùng với đó, chúng ta phải tập trung phát triển các giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia trên không gian mạng. Đó là lý do từ năm 2014, Viettel đã thành lập một công ty chuyên trách việc nghiên cứu, phát triển chuyên sâu các giải pháp, cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin. Việc làm chủ hạ tầng, công nghệ, các nền tảng số, các giải pháp hàng đầu về an ninh, bảo mật sẽ đảm bảo người được sống, làm việc trên không gian mạng, vũ trụ ảo một cách an toàn.

Viettel đã chuyển dịch thành công thành nhà cung cấp dịch vụ số, làm chủ nhiều công nghệ lõi, đặc biệt là công nghệ liên quan đến AI, IoT, Cloud, Big Data và 5G. Đây là cơ sở để chúng ta tự tin có thể tiếp tục dẫn dắt tiến trình CĐS trong những năm sắp tới.

Trong hơn 30 năm qua, Viettel đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Mỗi giai đoạn đều thành công nhờ tầm nhìn sáng suốt, sự dẫn dắt đúng đắn của của các thế hệ lãnh đạo Tập đoàn cùng sự đồng lòng của toàn thể cán bộ, nhân viên.

Giờ đây, chúng ta đang có rất nhiều không gian phát triển mới ở phía trước chờ được khai phá. Nền móng đã được gây dựng, công nghệ hay chính sách đều đang chuyển động. Việc còn lại là ý chí, niềm tin và sự chung sức của người Viettel cùng nhau thực hiện những mục tiêu đã đề ra. Người Viettel cùng nhau tự hào, cùng nhau hạnh phúc trong Ngôi nhà chung, cùng con cháu được sống trong đất nước phồn vinh, xã hội tiến bộ và an toàn.

Xin cảm ơn ông!

Hà Thương - Nguyên Phong

Thực hiện tháng 12/2021.

Viettel Money và quyết tâm dẫn dắt cuộc cách mạng thanh toán số tại Việt Nam

Sau 2 năm chuẩn bị và chờ đợi được cấp phép, ngày 1/12/2021, Viettel Money chính thức ra mắt, mang theo tầm nhìn trở thành hạt nhân tài chính số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển.
Đọc thêm

Bí mật sức mạnh công nghệ chiến lược "Lấy khách hàng làm trung tâm"

Khi quy mô khách hàng lên đến con số hàng chục triệu, để hiểu và chiều theo nhu cầu từng cá nhân dường như là một nhiệm vụ bất khả với hầu hết các doanh nghiệp. Ở Viettel, bài toán khó này đang được các chuyên gia về khoa học dữ liệu xử lý hiệu quả phục vụ cho chiến lược “lấy khách hàng làm trung tâm”.
Đọc thêm

Chuyện chưa kể về chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

Ở thời điểm hiện tại, Sổ sức khỏe điện tử của Viettel là ứng dụng chứng nhận tiêm chủng Covid-19, nhưng khi dịch bệnh qua đi, ứng dụng sẽ trở thành một trợ lý sức khỏe cho người dân Việt Nam từ lúc họ chào đời. Cuộc “thai nghén” thần tốc nhưng đạt hiệu quả lâu dài của Sổ sức khỏe điện tử gắn liền với một chiến dịch từ trước đến nay chưa từng diễn ra ở Việt Nam.
Đọc thêm

Dùng công nghệ số "gỡ khó" cho doanh nghiệp nhỏ

Dùng công nghệ số “gỡ khó” hiệu quả cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trước cơn bão Covid-19, TCT Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) khởi đầu thành công chiến lược hướng tới nhóm khách hàng năng động nhất nền kinh tế này. Ông Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc Viettel Telecom, khẳng định đây là cơ sở để đơn vị đặt mục tiêu cao trong năm 2022, chinh phục khách hàng doanh nghiệp nhỏ, song hành với nhiệm vụ phục vụ khách hàng cá nhân.
Đọc thêm

Chiến lược "Bình dân hóa Cloud" giúp Viettel IDC kiếm nghìn tỷ mỗi năm

Thành lập vào năm 2008, với khoản đầu tư 30 triệu USD xây dựng data center đầu tiên của VN theo tiêu chuẩn quốc tế, đến nay Viettel IDC đã trở thành một hiện tượng trong lĩnh vực điện toán đám mây (ĐTĐM) với doanh thu trung bình hơn 1.000 tỷ đồng/năm. Vừa cạnh tranh vừa hợp tác với các Big Tech nước ngoài, Viettel IDC đã vận dụng "binh pháp" nào để vươn lên vị trí hàng đầu trong thị trường mà ưu thế không nằm trong tay các doanh nghiệp (DN) nội?
Đọc thêm

VIETTEL VÀ LÁ CỜ ĐẦU TRONG PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19

Đại dịch Covid-19 là một thách thức lịch sử đối với quốc gia. Trong bối cảnh đó, những doanh nghiệp công nghệ mà Viettel là tiên phong đã góp phần không nhỏ vào công tác phòng chống đại dịch này.

VIETTEL GHI DẤU ẤN THẦN TỐC CHỐNG DỊCH

Sáng 29/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo với 1.060 xã, phường, thị trấn tại 20 tỉnh, thành phố. Tại cuộc họp, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chỉ đạo, đôn đốc Viettel và các doanh nghiệp viễn thông triển khai ngay việc kết nối hệ thống hội nghị trực tuyến tới toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. “Lấy xã phường làm pháo đài thì phải thông suốt tới tận pháo đài”, Thủ tướng nói.

Chỉ trong 3 ngày, Viettel đã hoàn thành triển khai mạng lưới, thiết bị và hướng dẫn các tuyến xã, phường, thị trấn sử dụng. Ông Nguyễn Mạnh Hổ, TGĐ Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions-VTS) cho biết, vượt qua nhiều khó khăn, hệ thống cầu truyền hình của Viettel kết nối đến khoảng 1.000 điểm tuyến xã, phường, thị trấn. Hệ thống được vận hành trên hạ tầng riêng, ứng dụng công nghệ bảo mật 4 lớp, đảm bảo thông tin cuộc họp luôn được bảo mật tuyệt đối và thông suốt.

Để đáp ứng yêu cầu công việc, Viettel điều động khoảng 1.100 cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ; mỗi xã, phường, thị trấn đều có 1 cán bộ kỹ thuật của Viettel chịu trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị sử dụng thiết bị. Việc triển khai diễn ra trong bối cảnh giãn cách xã hội nên đi lại rất khó. Thậm chí nếu nhân viên kỹ thuật làm quá 18h sẽ phải ngủ lại hiện trường vì không được di chuyển sau giờ này. Chưa kể, để có các thiết bị số lượng rất lớn trong thời gian ngắn, lại không phải “hàng thiết yếu” nên từ việc mua sắm đến vận chuyển cũng gặp trở ngại. Tuy nhiên, Viettel đã chủ động tìm nhiều giải pháp tháo gỡ, đảm bảo hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ TT&TT.

Kết nối cầu truyền hình chỉ là một trong những công việc mà Viettel phải thực hiện thần tốc trong giai đoạn chống dịch. Một “nhiệm vụ bất khả thi”khác cũng được Viettel hoàn thành xuất sắc là chỉ trong 5 ngày triển khai lắp đặt hơn 1.000 camera giám sát tại 130 khu vực cách ly thuộc 10 huyện, 125 xã của Bắc Giang. Toàn bộ camera giám sát đều do Viettel nghiên cứu, sản xuất. Ngoài Bắc Giang, Viettel đã khảo sát, lắp đặt và tích hợp hơn 2.000 camera tại 31 tỉnh phía Bắc chỉ trong vòng 7 ngày.

TRIỂN KHAI NỀN TẢNG TIÊM CHỦNG CHO ĐẠI CHIẾN DỊCH

Trong khi đại dịch diễn biến phức tạp, tiêm chủng được xác định là giải pháp căn cơ để ngăn chặn dịch bệnh và công nghệ sẽ đóng vai trò hỗ trợ. Một lần nữa, Viettel lại được gọi tên triển khai nền tảng cho chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay.

Có khả năng đáp ứng 5 triệu mũi tiêm/ngày, nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia do Viettel xây dựng và phát triển bao gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử; Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19; Hệ thống hỗ trợ công tác Tiêm chủng Quốc gia và Trung tâm đáp ứng. Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý. Đây là nền tảng giúp người dân tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện. Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng với tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19.

Riêng trong đợt tiêm chủng quy mô lớn tại Tp.HCM Viettel đã điều 150 cán bộ nhân viên để hỗ trợ vận hành, ứng dụng nền tảng này. Ông Ngô Vĩnh Quý, Phó TGĐ Viettel Solutions, chia sẻ: “Viettel nhận thức việc hỗ trợ đất nước, nhân dân chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng của chúng tôi. Viettel sẽ nỗ lực đảm bảo nền tảng vận hành ổn định, đóng góp vào thành công của chiến dịch. Đây là cơ sở để mở rộng chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, trong diễn biến dịch bệnh phức tạp hiện nay”.

TELEHEALTH - CÁNH TAY NỐI DÀI HIỆU QUẢ TRONG ĐẠI DỊCH

Khi đại dịch bùng phát, nhu cầu tư vấn khám chữa bệnh từ xa để kết nối, hỗ trợ các bác sĩ tại bệnh viện TƯ với các bệnh viện, trung tâm y tế để hội chẩn cho các ca bệnh Covid-19 diễn biến nặng trở nên bức thiết. Viettel lại một lần nữa được “chọn mặt gửi vàng” với giải pháp Telehealth.

Chỉ trong vòng 45 ngày, Viettel Solutions đã hoàn thành mục tiêu giai đoạn 1 của đề án Khám chữa bệnh từ xa đến hơn 1.100 cơ sở y tế trên cả nước. Ngày 8/8, Bộ TT&TT và Bộ Y tế đã công bố kết nối nền tảng Telehealth tới 100% tuyến huyện.

Từ những bệnh viện hạng đặc biệt cho đến các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa hay biên giới, hải đảo như Mường Nhé, Cô Tô, Côn Đảo, tất cả đều có thể kết nối với nhau trong các buổi hội chẩn trực tuyến. Chất lượng đường truyền, âm thanh, đặc biệt là các tính năng chuyên biệt đã được đảm bảo tốt, giúp các buổi hội chẩn, hỗ trợ phẫu thuật từ xa diễn ra thành công. Y bác sỹ tại các bệnh viện đang tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 cho biết Telehealth là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ.

Theo thống kê, tính đến hết ngày 12/12/2021, hệ thống Telehealth đã kết nối hơn 2.369 cơ sở y tế trong cả nước để hỗ trợ công tác tư vấn, khám chữa bệnh, trong đó có 254 bệnh viện thường xuyên tham gia với 2.032 bệnh án trên hệ thống. Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ, về lâu dài, Bộ sẽ áp dụng đăng ký khám chữa bệnh online cho tất cả người dân, đẩy mạnh áp dụng các thành tựu công nghệ về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… vào quản lý và khám chữa bệnh.

ỨNG DỤNG CHO CUỘC SỐNG BÌNH THƯỜNG MỚI

Không chỉ nhanh chóng đưa ra các giải pháp phòng chống dịch, Viettel cũng là doanh nghiệp tiên phong trong phát triển ứng dụng cho cuộc sống bình thường mới. Dịch bệnh kéo dài 2 năm đã gây ảnh hưởng lớn đến việc học tập của hàng chục triệu học sinh, sinh viên. Nhu cầu học tập trực tuyến bỗng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, Viettel đã cùng ngành Giáo dục đảm bảo mục tiêu kép “Tạm dừng đến trường, không ngừng việc học”.

Một số nền tảng dạy - học trực tuyến đã được Viettel nghiên cứu và phát triển liên tục, đáp ứng tốt nhu cầu của người dùng và đạt được những dấu mốc tăng trưởng ấn tượng. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát năm 2021, hệ thống quản lý học và thi trực tuyến K12 Online hỗ trợ khởi tạo tài khoản cho gần 400.000 giáo viên và 3,4 triệu học sinh đến từ 35.000 cơ sở giáo dục thuộc 63 tỉnh/thành phố. Kho học liệu lên tới 2,5 triệu học liệu, bao gồm bài giảng, bài kiểm tra, lớp học ảo. Sau chưa đầy một năm đi vào sử dụng, hệ thống đã cán mốc 100 triệu lượt truy cập. Ngoài ra, Viettel còn cung cấp hệ thống quản lý SMAS cho các Sở, Phòng Giáo dục & Đào tạo và nhiều cơ sở giáo dục. Đến nay, hơn 25.000 trường học từ 63 tỉnh/thành phố đã sử dụng hệ thống này.

San TMDT Vo So di cho ho 2.jpg

Trong đại dịch, Viettel đã lĩnh sứ mạng hỗ trợ đất nước phòng chống dịch và sử dụng công nghệ để đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới. Các giải pháp mang đậm tính sáng tạo, quan tâm và khát khao, thể hiện triết lý thương hiệu “Cộng hưởng để tạo sự khác biệt”. Viettel đã giữ đúng tinh thần như lời của Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: “Doanh nghiệp nên đi tiên phong trong việc tạo ra sự thay đổi mang tính cách mạng mà con người đang trải qua, nên đi tiên phong trong việc nâng cao ý thức của xã hội, nên giải quyết những thách thức lớn nhất của xã hội. Doanh nghiệp càng lớn, tác động càng mạnh và vì vậy, trách nhiệm với đất nước càng phải cao”.

Thái Khang.

"Mảnh ghép cuối cùng" để làm chủ hệ thống ePass

Khách hàng sử dụng dịch vụ thu phí tự động đường bộ ePass khó có thể nhận biết những thay đổi sau khi Viettel hoàn toàn làm chủ hệ thống. Họ chỉ đơn giản thấy dịch vụ mình dùng “có vẻ” ổn hơn, không gặp trục trặc gì. Nhưng phía sau đó là một câu chuyện lớn hơn, về tương lai giao thông thông minh, thành phố thông minh cho Việt Nam.
Đọc thêm

Robot kho vận Make in Vietnam, by Viettel

Tại kho hàng của Viettel Post, rất nhiều công đoạn vận chuyển chỉ trong một thời gian ngắn nữa sẽ không do con người đảm nhiệm, mà được chuyển giao cho anh bạn mang cái tên khá lạ - VMR-01. Anh chàng robot này chịu được tải trọng hàng hóa lên đến 300 kg, làm việc liên tiếp trong 8 giờ, di chuyển hàng hóa thông minh, khoa học, chính xác theo phân lối di chuyển được quy định trong kho hàng mà không cần người giám sát. VMR-01 là robot kho vận sử dụng dẫn đường bằng thị giác máy tính đầu tiên ở Việt Nam, do Trung tâm Không gian mạng Viettel (VTCC) phát triển.
Đọc thêm

Gia nhập cuộc đua mới trong kỷ nguyên siêu thế giới ảo - Metaverse

Từ làm chủ công nghệ lõi 5G cùng nhiều loại khí tài quân sự hiện đại cho đến nắm chắc trong tay công nghệ lõi mô hình mô phỏng để bước chân vào vũ trụ ảo Metaverse, không một đề bài nào có thể ngăn trở khối óc, bàn tay của những kỹ sư tại Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel – Viettel High Technology (VHT).
Đọc thêm

By Day Learning - Tư duy học tập ra đời trong chuyển đổi số

Công nghệ ngày càng có những tác động to lớn đến cách thức con người lao động, làm việc, thậm chí làm thay đổi bản chất khái niệm “công việc”. Trong bối cảnh đó khả năng học hỏi các kỹ năng mới, mô hình hóa các hành vi mới và liên tục thích ứng của người lao động là chìa khóa để thành công bền vững của mỗi doanh nghiệp. Với một Tập đoàn có quy mô hàng chục nghìn nhân sự, hoạt động đa quốc gia như Viettel, bài toán này cần được xử lý như thế nào?
Đọc thêm

Khi bao xi măng tiên phong chuyển đổi số

Cất gọn súng bắn nhiệt, thiết bị đo độ rung cầm tay vào ngăn tủ, anh Nguyễn Quang Vân, Tổ trưởng tổ Động cơ không rời mắt khỏi những đồ vật đã gắn bó với mình 16 năm ở CTCP Xi măng Cẩm Phả (XMCP), nay đã là “kỷ vật”. Giờ đây, hệ thống động cơ, máy điện và các máy móc mà anh Vân chịu trách nhiệm bảo trì đều đã được thay tích hợp hệ thống thông minh, kết nối không dây. Một trong những lĩnh vực vốn luôn bị gắn mác “tay chân” đang từng bước được số hóa.
Đọc thêm

Bứt tốc toàn diện tại các thị trường nước ngoài

Năm 2021, nhờ bứt tốc số hóa trên mọi lĩnh vực, các thị trường nước ngoài của Viettel đều đạt được nhiều kết quả nổi bật về chuyển đổi số. Các thành tựu này chính là lời khẳng định mạnh mẽ quyết tâm số hóa của toàn Viettel Global.
Đọc thêm

VIETTEL DẪN DẮT ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TOÀN CẦU

Với 4 tiêu chí đánh giá: số lượng bằng sáng chế; số lượng trích dẫn; thành công của bằng sáng chế; mức độ toàn cầu hóa, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel được Clarivate, tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới về phân tích chất lượng nghiên cứu khoa học, đưa vào danh sách các tập đoàn công nghệ dẫn dắt về đổi mới sáng tạo năm 2021 toàn cầu.

Với Viettel, đây là kết quả của hành trình kéo dài hơn một thập kỷ, bắt đầu từ khát vọng, được thực hiện bằng sự bền bỉ và tư duy khác biệt. Chuyến tàu đổi mới sáng tạo của Viettel chưa một giây phút nào dừng kể từ khi lăn bánh, bởi mỗi người Viettel đều hiểu rằng “Sáng tạo là sức sống”.

KHÁT VỌNG VÀ TIỀM LỰC

Khi được hỏi về những tố chất cần có ở một doanh nghiệp làm nghiên cứu sản xuất, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm TGĐ Viettel đã trả lời bằng các từ khóa trên. Ông Lê Đăng Dũng nói: “Trong cuộc cách mạng 4.0 này, mong muốn lớn nhất là chúng ta đi ngang bằng với thế giới. Những câu chuyện này đều xuất phát từ khát khao về sự hùng cường của đất nước. Ngoài khát khao thì cũng phải liều và có tiềm lực nữa. Chứ có khát vọng, nhưng không có tiềm lực thì sẽ rất khó làm ở Việt Nam”.

Trên thế giới, khi đã làm công nghệ, nghiên cứu sản xuất và xác lập quyền sở hữu trí tuệ là điều mà bất cứ công ty, tổ chức nào cũng phải chú ý từ rất sớm để duy trì lợi thế cạnh tranh và bảo vệ chính mình. Xác định rất rõ việc một tổ chức muốn có vị trí ở thị trường công nghệ cao thì bắt buộc phải có sở hữu trí tuệ, Viettel đã đầu tư từ rất sớm.

DSC_5015.JPG

Cách đây 10 năm, khi Ban Nghiên cứu sản xuất và Viện Nghiên cứu Phát triển Viettel (tiền thân của TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel - VHT) được hình thành, được giao nhiệm vụ về những công nghệ “chưa từng có ở Viettel và Việt Nam”. Cùng với việc đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho hạ tầng nghiên cứu với các lab hiện đại bậc nhất Viettel đồng thời thúc đẩy chiến lược xây dựng đội ngũ nhân sự. Mỗi năm, các kỹ sư tài năng của các trường đại học đều được Viettel tuyển dụng. Cùng với đó là mạng lưới các chuyên gia tư vấn đến từ Mỹ, Singapore, Đài Loan… cũng gia nhập vào cuộc đua nghiên cứu các công nghệ lõi của Tập đoàn.

Một trong số đó là anh Cù Xuân Hùng, Kỹ sư điều khiển tự động, thuộc Trung tâm Kỹ thuật công nghệ, Khối 1, VHT, người từng tốt nghiệp thủ khoa Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sau một thời gian ngắn gia nhập Viettel, anh đã có 3 ý tưởng, và có sáng chế về cơ cấu trợ lực cho Robot song song bằng hệ lò xo với trợ lực hằng số được cấp bằng bảo hộ ở Mỹ.

Hai yếu tố chính giúp anh Cù Xuân Hùng có được thành tích này là môi trường sáng tạo và nguồn năng lượng thúc đẩy sự sáng tạo ở Viettel. Những kỹ sư như anh được tạo mọi điều kiện để tìm kiếm ra kết quả tốt nhất.

“Trong quá trình thực hiện nghiên cứu sáng tạo, không hề có một con đường trải sẵn hay những chỉ dẫn có sẵn để cho mình biết đường đi nước bước. Tất cả chúng tôi đều phải dò đá qua sông, phải áp dụng tinh thần người Viettel. Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, mỗi lần chúng tôi lại rút ra được một chút kinh nghiệm và kiến thức. Cuối cùng, từ những ý tưởng sơ khai ban đầu, tôi phác thảo lại, gọt dũa đi để ra được ý tưởng cuối cùng, đột phá và sáng tạo hơn. Sáng tạo thường bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt”, anh Cù Xuân Hùng đúc kết.

Cùng với đó, một chính sách thưởng “nóng” cho tác giả có bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích... cũng được ra đời. Mỗi tài sản trí tuệ có mức thưởng riêng, trong đó cao nhất là bằng sáng chế được bảo hộ và giải pháp hữu ích được bảo hộ tại Mỹ trị giá lần lượt là 100 triệu đồng và 50 triệu đồng. Các phần thưởng không chỉ là sự ghi nhận mà truyền đi khát vọng, tạo động lực cho các kỹ sư của Viettel những người đã luôn lăn xả vì công việc.

Viettel cũng xác định một chiến lược “mở” cả trong nội bộ và cả bên ngoài, sẵn sàng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ trên cơ sở mình làm chủ. Những hệ thống “kiềng ba chân” hay “nhiều chân” đã hình thành, mà điển hình là mối liên kết giữa Tổng Công ty Viễn thông Viettel (VTT) – Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (VTNet) – Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT).

Việc hiểu rõ và tận dụng triệt để thế mạnh đưa Viettel trở thành nhà vận hành khai thác và kinh doanh mạng viễn thông duy nhất trên thế giới tự trở thành nhà phát triển và sản xuất hạ tầng công nghệ viễn thông ở quy mô công nghiệp. Và Viettel hiện thực hóa điều đó chỉ trong vòng có 8 năm.

SỨC BẬT VƯỢT RANH GIỚI

“Việc lấy bằng sáng chế hay sở hữu trí tuệ không phải để làm đẹp cho sản phẩm, mà để tìm kiếm sự công nhận sản phẩm Viettel ngang bằng thế giới. Đây là yêu cầu quan trọng trên con đường sản phẩm dần dần sẽ được tối ưu hoá trao đến tay người tiêu dùng”, kỹ sư Cù Xuân Hùng lý giải. Tính đến hết 8/2021, Viettel sở hữu 339 đơn đăng ký sáng chế trong nước, 49 đơn đăng ký sáng chế ở Mỹ, trong đó có 44 bằng sáng chế được cấp tại Việt Nam và 9 bằng sáng chế do Cơ quan sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ bảo hộ ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Các sáng chế của Viettel bao trùm lên cả 3 lĩnh vực hoạt động chính, gồm quân sự, hạ tầng viễn thông, dân dụng. Trong số này có rất nhiều sáng chế đã trở thành sức mạnh cạnh tranh của Viettel. Một trong số đó là hệ thống tính cước thời gian thực OCS với phương thức phân chia dữ liệu ngẫu nhiên trong các hệ thống phân tán đã vi xử lý, một sáng chế Make in Viettel đã được bảo hộ ở Mỹ.

Thành công này đã đưa Viettel vượt ra khỏi ranh giới của một đơn vị viễn thông thuần tuý, trở thành doanh nghiệp có thể cung cấp các sản phẩm chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực khác như giao thông số (ePass), thanh toán điện tử (Mobile Money).

Một ví dụ khác chứng minh giá trị “sáng tạo là sức sống” của Viettel là câu chuyện đi từ con số 0 đến làm chủ công nghệ sản xuất Trạm thu phát sóng 4G eNodeB. Nhập cuộc năm 2015 với tư cách “lính mới học việc”, nhưng chỉ 5 năm sau, vào tháng 10/2020, lần đầu tiên điện thoại trong phòng lab của VHT hiển thị biểu tượng sóng 5G dù phần cứng của trạm vẫn chỉ là các mảnh ghép thành phần.

Tháng 1/2021, Bộ trưởng Bộ TT&TT và Bộ trưởng Bộ KH&CN thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị thu phát sóng gNodeB 100% do VHT nghiên cứu, sản xuất. Viettel chính thức bước chân vào nhóm các doanh nghiệp đầu tiên sản xuất thành công thu phát sóng 5G. Thử nghiệm về tốc độ truyền dữ liệu 5G do Viettel, Ericsson và Qualcomm thực hiện tại Việt Nam đạt 4,7Gb/ giây, cao gấp 40 lần tốc độ 4G và gấp 2 lần tốc độ 5G hiện có, đưa Viettel trở thành một trong những mạng viễn thông 5G nhanh nhất Châu Á.

Sẽ không dừng lại ở những sáng chế, “sáng tạo là sức sống” ở Viettel sẽ sớm vượt ra khỏi những giới hạn sẵn có. Mục tiêu được Viettel đặt ra ở giai đoạn tiếp theo là phải nằm trong nhóm các đơn vị đóng góp cho chuẩn thế giới. “Tôi kỳ vọng đến năm 2023, trong công nghệ 6G trên thế giới bắt đầu có tiếng nói của Viettel và ITU khi giới thiệu có tên Viettel đã đóng góp bao nhiêu bằng sáng chế, bao nhiêu tiêu chuẩn trong ITU. Năm 2022, Viettel sẽ có chip riêng tự làm. Ngoài ra, Viettel cũng bắt đầu nghiên cứu, đặt nền móng cho công nghiệp vũ trụ”, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng chia sẻ.

Bích Ngọc.

Trải nghiệm nhập vai với Viettel - Món quà thời đại 5G

Một trận chung kết bóng đá được tường thuật với sự hỗ trợ của công nghệ thực tế ảo (VR) đem đến cho khách hàng cảm giác y như ngồi trong sân vận động, một khóa dưỡng sinh cho phép người lớn tuổi cảm nhận như đang đứng tập cùng bạn bè ngoài công viên, một chuyến tham quan khu bất động sản đắc địa mà không cần đến tận nơi… Đó là những gì mà người dân Việt Nam sẽ sớm được trải nghiệm trên nền tảng Immersive Media của Viettel.
Đọc thêm

Từ bảo vệ không gian mạng quốc gia đến xuất khẩu an ninh mạng

Tháng 12/2021, Công ty An ninh mạng Viettel (VCS) chính thức ký được hợp đồng quốc tế đầu tiên với đối tác tại thị trường Nam Phi. Đây được coi là một bước chuyển mình quan trọng của VDS từ một nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ nội địa chính thức thâm nhập thị trường quốc tế. Sự kiện này cũng giúp VCS hiện thực hóa mục tiêu “Go Global” trong Chiến lược 2021 - 2025 sớm trước một năm so với kế hoạch ban đầu.
Đọc thêm

Khát vọng tổ hợp giải trí số hàng đầu Việt Nam

Vẫn còn sớm để dùng các khái niệm “universe”, “metaverse”… như cách khán giả gọi Vũ trụ siêu anh hùng của Marvel, Vũ trụ siêu nhân của DC để đặt cho hệ sinh thái nội dung số của Công ty Truyền thông Viettel (Viettel Media). Nhưng những bước tiến lớn trong năm 2021 đang dần giúp người dùng ở Việt Nam định hình được một tổ hợp giải trí số hàng đầu Việt Nam.
Đọc thêm

Khát khao của nhà vô địch

Năm 2021, CLB Bóng đá Viettel (Viettel FC) là nhà đương kim vô địch của V.League. Khi bạn ở ngôi vị số một, thách thức lớn nhất với bạn là làm thế nào để vượt qua nhà vô địch, vượt qua chính mình. Và các chàng trai áo lính chơi bóng đã trải qua năm 2021 với nỗ lực và khát khao mãnh liệt đó.
Đọc thêm

Tăng tốc trong nghịch cảnh

Trong khi các doanh nghiệp khác liên tục đóng cửa giải thể, người lao động mất việc vì đại dịch, thì Tổng Công ty Công trình Viettel (VCC) lại tăng tốc, mở rộng ngành nghề, tuyển dụng thêm nhiều nhân sự trình độ cao và tạo việc làm ổn định cho hơn 10.000 người. Thu nhập bình quân của CBNV VCC là 22 triệu/người/tháng, tăng 7% so với 9 tháng đầu năm 2020. Đạt được điều này chính nhờ sự cộng hưởng từ tâm thế “thay đổi”. Sự thay đổi ở đây không chỉ là dịch chuyển ngành nghề, đó còn là chuyển biến về tư duy, hành động và quyết tâm vượt mọi khó khăn của CBNV VCC.
Đọc thêm

TRẠM HẠNH PHÚC – NHỮNG ĐIỀU NHỎ BÉ “PHI THƯỜNG”

Trở thành “Trạm hạnh phúc - Chạm yêu thương”, những điểm bưu cục của Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) đầy ắp nhu yếu phẩm phục vụ miễn phí xuyên suốt đại dịch đã là liều thuốc tinh thần quan trọng với hàng triệu đồng bào tại TP.HCM.

Không chỉ giúp người dân xoa dịu nỗi lo lắng, bất an, Trạm còn tiếp thêm cho họ sức mạnh, niềm tin một mai chiến thắng Covid-19. Dịch bệnh rồi cũng qua đi nhưng sự quan tâm, tử tế, nghĩa tình đồng bào được thể hiện trong những ngày tháng ấy sẽ mãi còn đó…

“CHỪNG NÀO NHÂN DÂN CÒN KHÓ KHĂN…”

Khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư trong năm 2021, TP.HCM liên tiếp ghi nhận số lượng ca mắc kỷ lục, dẫn tới việc áp dụng Chỉ thị 16 giãn cách xã hội toàn địa bàn. Cuộc sống như ngưng đọng trên những con đường vốn tấp nập… Không còn những buổi tan tầm với tiếng còi xe inh ỏi, thay vào đó là hình ảnh những rào chắn được dựng lên khắp nơi và tiếng còi xe cứu thương hú liên hồi.

Với mạng lưới bưu cục và nhân sự rộng khắp tại TP.HCM , đội ngũ CBNV Viettel Post khi ấy hiểu rõ họ không thể đứng ngoài cuộc. Toàn bộ CBNV Viettel Post trên khắp cả nước cũng như Viettel Post chi nhánh TP.HCM nói riêng đều hiểu “cần phải hành động”. Hành động không chỉ để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hoá mà còn là điểm tựa, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho người dân nơi đây.

Viettel Post chi nhánh TP.HCM triển khai chương trình “Trạm hạnh phúc - Chạm yêu thương”, biến mỗi bưu cục trên địa bàn thành phố trở thành nơi cung cấp miễn phí nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân. “Chừng nào nhân dân còn khó khăn thì chúng ta chưa thể dừng bước”, anh Đỗ Xuân Tiến, Giám đốc Viettel Post TP.HCM đã quán triệt quan điểm rõ ràng đối với toàn bộ anh em chi nhánh.

Chỉ trong 2 ngày, toàn bộ các điểm bưu cục, cửa hàng Viettel Post trên toàn quốc đã gấp rút căng banner, đặt standee mới. Theo nội dung chương trình, các hiện vật, món đồ sẽ được tiếp nhận tại tất cả các điểm bưu cục Viettel Post gồm thực phẩm tươi, thực phẩm khô, đồ phòng chống dịch cùng các mặt hàng thiết yếu khác.

Viettel Post gom các món quà từ mọi miền Tổ quốc đến thành phố mang tên Bác, 16 điểm bưu cục tại TP.HCM cũng đã trở thành 16 “Trạm hạnh phúc” luôn mở cửa chào đón những hoàn cảnh khó khăn đến tìm hỗ trợ.

Những món quà từ khắp mọi miền Tổ quốc được trao cho người đang cần như một lời chia sẻ và động viên, cùng nhau vượt qua sóng gió này. Chúng tôi tin rằng những điều nhỏ bé cũng có thể mang tới thay đổi lớn lao, một món quà trao đi sẽ tiếp thêm sức mạnh cho nhiều mảnh đời vượt lên khó khăn trong cuộc sống”.

Ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Viettel Post chia sẻ

ĐẾN “TRẠM HẠNH PHÚC” ĐỂ “CHẠM VÀO YÊU THƯƠNG”

“Trạm hạnh phúc - Chạm yêu thương” - Một thông điệp ngắn gọn sáu chữ, đôi lời nhắn nhủ của Viettel Post tuy giản dị, nhưng lại có thể chạm đến trái tim của nhiều nhà hảo tâm trên cả nước.

Không phải ai cũng có người thân, người quen đang sinh sống tại TP.HCM nhưng dòng máu Việt chảy trong trái tim mỗi người đã thôi thúc người dân trên toàn quốc chung tay cùng Viettel Post làm nên những điều nhỏ bé nhưng vô cùng ý nghĩa.

Chị Nguyễn Thị Vân sau khi biết đến chương trình đã đến bưu cục Vĩnh Yên (Chi nhánh Viettel Post Vĩnh Phúc) gửi tặng 100 thùng mì tôm. “Tôi rất mừng vì có thể đóng góp một phần nhỏ hỗ trợ cho đồng bào ruột thịt trong miền Nam. Mong rằng mọi người có thể cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này!”. Lời chia sẻ của chị tuy giản dị nhưng đầy chân thành, thấm đẫm tinh thần đùm bọc, yêu thương nhau của người Việt Nam.

Có những khách hàng đến ủng hộ bằng hiện vật, có những người chưa có điều kiện quyên góp thì đóng góp tình cảm bằng “Thiệp yêu thương”. Có những tấm thiệp chỉ vỏn vẹn hai, ba câu nhưng đều chứa đựng vô vàn cảm xúc của người viết: “Cố lên! Mọi thứ rồi sẽ ổn thôi. Dẫu dịch bệnh có khiến cuộc sống vất vả hơn, cả đất nước vẫn đang dành mọi điều tốt đẹp nhất cho TP.HCM mến thương!”, “Chúc mọi người mạnh khỏe vượt qua dịch bệnh Covid. Đồng bào cả nước luôn bên cạnh TP.HCM !”...

Hàng vạn gói quà cùng “thiệp yêu thương” đã vượt qua quãng đường hàng ngàn cây số để đến TP.HCM, sẵn sàng trao cho người yếu thế. Những túi thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng cho cả gia đình ăn trong nhiều ngày quả thực vô cùng đáng quý. Bà Nguyễn Thị Hai, phường Tân Kiểng, Quận 7, chia sẻ: “Đợt dịch này, công ty con gái bị giải thể, hai vợ chồng cũng không đi làm được. Cả ba người thất nghiệp ở nhà nhìn nhau. Mấy tháng nay ở nhà nên cũng chẳng có thu nhập gì hết. Giờ không còn tiền, không đi chợ nổi, ăn uống đều phải nhờ người ta từ thiện, cho rau, cho gạo, cho nước mắm”.

Nhận được quà từ chương trình, bà Hai vui mừng, đôi mắt nhuốm màu thời gian nheo lại và ánh lên hy vọng. “Phần quà này thật là quá quý rồi. Giờ không biết nói gì hơn để cảm ơn các nhà từ thiện, rồi các phường, các xóm đã quan tâm giúp đỡ. Một phần thế này cũng kéo được thời gian dăm bữa, nửa tháng nữa!”.

MÀU ÁO VIETTEL NHUỘM NHỮNG CON ĐƯỜNG

Thấm nhuần triết lý phụng sự, nhiều cán bộ nhân viên Viettel Post chi nhánh TP.HCM nỗ lực 200% sức lực để thắp sáng ánh đèn tại mỗi bưu cục trong suốt những ngày dịch bệnh. 12 năm gắn bó với Viettel Post, anh Phạm Văn Tuân chưa từng nghĩ sẽ có ngày các anh em phải đối mặt với “cuộc chiến” khốc liệt như đợt dịch Covid-19 vừa qua. Là Giám đốc kinh doanh tại Chi nhánh Bưu chính Viettel TP.HCM , nhưng trước tác động nặng nề của dịch bệnh, anh tự mình giao hàng và trao quà tới tay những hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ trên địa bàn thành phố.

Suốt mấy tháng qua, dù rất nhiều lần nghe tiếng “cảm ơn” vang lên từ bà con nhưng với anh, mỗi lần nghe hai tiếng đó cảm xúc luôn vẹn nguyên như lần đầu tiên. Đó là sự vui mừng, an tâm khi bà con được ấm bụng và là sự trân trọng vô vàn về tình cảm bà con dành cho mỗi người Viettel Post.

Chương trình Trạm hạnh phúc - Chạm yêu thương được Viettel Post triển khai thực hiện từ 05-19/08/2021. Hơn 1.100 bưu cục từ 63 chi nhánh đã trở thành nơi tiếp nhận “yêu thương” của các nhà hảo tâm, những tấm lòng vàng trên cả nước. Đến cuối chương trình, đã có tổng số 1.091 tấn quà tặng được gửi về miền Nam ruột thịt, tương ứng với 160.000 suất quà đã được trao đi, giúp cho hàng trăm ngàn người dân có thêm những bữa ăn no để an tâm sinh hoạt, vượt qua mùa dịch.

My Vũ - Mỹ Linh

Hành trình chinh phục "những điều không thể"

Năm 2021, bão dịch Covid-19 gây khó khăn cho tất cả các ngành nghề đơn vị. Nhưng Viettel Commerce vẫn có kết quả sản xuất kinh doanh vượt trội, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Giống như những cái cây làm nên một cánh rừng, rất nhiều cá nhân của Viettel Commerce đã chinh phục được những điều tưởng như không thể.
Đọc thêm

Nâng chất lượng bằng "số hóa từ bên trong"

Sau 4 tháng nghiên cứu phát triển, triển khai thử nghiệm, tháng 7/2021, hệ thống Checklist Mobile đã chính thức được Công ty Quản lý tài sản Viettel (VAM) đưa vào áp dụng. Giải pháp chuyển đổi số "nhỏ mà có võ" chưa từng có ở Việt Nam cũng như trên thế giới này không chỉ giúp quản lý hiệu quả, an toàn các tòa nhà, tổng kho của Viettel trên toàn quốc mà còn có giá trị làm lợi hàng tỷ đồng mỗi năm.
Đọc thêm

Cộng hưởng giải bài toán khó của quốc gia

Chỉ trong quãng thời gian “không tưởng” 6 tháng, Công ty Tư vấn Thiết kế Viettel (VTK) cùng các chuyên gia toàn Tập đoàn hoàn thành “bài toán” cấp quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT)đặt hàng. Trong khi đó với khối lượng công việc như VTK đã xử lý, các đơn vị khác sẽ cần ít nhất 2-3 năm.
Đọc thêm

Nhà máy thông minh - Tiên phong vì sức mạnh cộng hưởng cho công nghiệp Việt

Con đường gia nhập chuỗi giá trị sản xuất đã hiện hữu, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp cần có một chiến lược đón đầu hiệu quả. Trên hành trình in dấu ấn người Viettel trong chuỗi sản xuất toàn cầu, Công ty M1 xác định triển khai nhà máy thông minh là chìa khoá để đơn vị này đạt những bước tiến mới vượt bậc cho ngành công nghiệp sản xuất. Khi nhiều doanh nghiệp nội địa còn khá dè dặt với mô hình nhà máy thông minh, M1 đã nhanh chóng có những bước đi hiện thực hóa mô hình này.
Đọc thêm

Hiện thực hóa chiến lược vươn tầm vũ trụ

Công ty Thông tin M3 là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đến thời điểm hiện tại tham gia vào chuỗi cung ứng hàng không vũ trụ toàn cầu. Trên con đường hiện thực hóa thành quả ấy có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Tập đoàn, cộng hưởng cùng với những nỗ lực hết mình của tập thể lãnh đạo, CBNV M3.
Đọc thêm